Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, sau gần 30 năm tái lập, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Quang Nguyên tặng quà lưu niệm cho Ngài Chaman Lal, Thị trưởng thành phố Birmingham, Vương Quốc Anh.
Công tác mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác, địa phương nước ngoài đã góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp ngoài nước, mở rộng giao thương quốc tế, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến, giao lưu văn hóa... Từ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh... mang lại bước đột phá trong phát triển kinh tế, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Tỉnh duy trì hoạt động hợp tác hữu nghị với 10 địa phương của Lào gồm Thủ đô Viêng-chăn và 9 tỉnh gồm Luông-nậm-thà, U-đôm-xay, Luông-pha-băng, Phông-xa-lỳ, Bò-kẹo, Khăm-muộn, Hủa-phăn, Bô-ly-khăm-xay và Xay-nhạ-bu-ly.
Trọng tâm là thực hiện nhiệm vụ chính trị, tỉnh thường xuyên đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào; đồng thời tổ chức các đoàn lãnh đạo sang thăm và làm việc với tỉnh bạn.
Thông qua hoạt động trao đổi đoàn, lãnh đạo hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng thời khẳng định mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa Đảng, chính quyền, nhân dân trong tỉnh với các địa phương của Lào.
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ một số địa phương của Lào xây dựng cơ sở vật chất thiết yếu như trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa với tổng số tiền hơn 12 triệu USD. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho gần 380 lưu học sinh Lào được học tập tại các trường cao đẳng, đại học tại Việt Nam. Nhiều lưu học sinh sau khi tốt nghiệp đã trở về Lào cống hiến, xây dựng quê hương.
Vĩnh Phúc cũng tăng cường hợp tác hữu nghị với tỉnh Chungcheongbuk - Hàn Quốc (ký kết năm 2008), tỉnh Akita - Nhật Bản (ký kết năm 2015), tỉnh Tochigi - Nhật Bản (ký kết năm 2023).
Trong những năm qua, Vĩnh Phúc và các tỉnh bạn đã đẩy mạnh nhiều hoạt động hợp tác về kinh tế đối ngoại, giao lưu trao đổi đoàn các cấp, triển khai chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực...
Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh như Toyota, Honda, Sumitomo, Công ty TNHH Jahwa Vina, Công ty Power Logics Vina, Công ty Power Logics Vina, Công ty TNHH Kyongil Optics Việt Nam, Công ty TNHH UJU Vina...
Hiện nay, Vĩnh Phúc đã tổ chức đào tạo tiếng Việt và bố trí chương trình trao đổi cán bộ cho 6 cán bộ của tỉnh Chungcheongbuk và phía bạn cũng bố trí cho 7 cán bộ của Vĩnh Phúc học tiếng Hàn và làm việc tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hai tỉnh có nhiều chương trình ký kết hợp tác chuyên môn giữa các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, trường đại học của Vĩnh Phúc với các đối tác của tỉnh bạn.
Có thể thấy, tỉnh đã đạt được một số kết quả hợp tác hữu nghị đáng khích lệ với một số địa phương Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tuy nhiên, đối với địa bàn châu Âu với nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác, tỉnh vẫn chưa có nhiều hoạt động hợp tác hữu nghị.
Khởi đầu, tỉnh đã ký kết văn bản hợp tác hữu nghị với Vùng Toscana của Italia (ngày 28/7/2023) và ký kết hợp tác hữu nghị với tỉnh Pernik của Bunlgari (ngày 25/9/2023) trên nhiều lĩnh vực như thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại; giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch; trao đổi giáo dục - đào tạo; y tế; quy hoạch đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ môi trường... Hiện nay, các bên đang xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai nội dung thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra: "Xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; kinh tế, xã hội phát triển bền vững; thu nhập thực tế bình quân đầu người của tỉnh đạt 130-135 triệu đồng”.
Để đạt được mục tiêu trên thì một trong những giải pháp quan trọng là phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại với vai trò quan trọng là thu hút nguồn lực, tiếp thu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên doanh, liên kết quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh.
Nghị quyết nêu rõ: "Tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực. Chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương, các quốc gia phát triển, tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao vị thế, đưa tỉnh Vĩnh Phúc lên một tầm cao mới”.
Do vậy, việc tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với một số địa phương của châu Âu là rất cần thiết. Từ đó sẽ tạo động lực, phương hướng mới cho hoạt động đối ngoại của tỉnh.
Yêu cầu đặt ra trong quan hệ hợp tác hữu nghị là phải phù hợp với định hướng đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đúng quy định của pháp luật; xuất phát từ đặc điểm tình hình, nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng; tránh hình thức, lãng phí; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học - công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh phi truyền thống; khai thác và thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), hợp tác song phương với các nước và đa phương với Liên minh châu Âu.
Đoàn công tác của Vĩnh Phúc thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh.
Để thực hiện mục tiêu tăng cường hợp tác hữu nghị với các địa phương của châu Âu, tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là: Các cấp, ngành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đối ngoại. Xúc tiến hợp tác hữu nghị với địa phương của châu Âu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong công tác đối ngoại của tỉnh. Căn cứ chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với những biện pháp triển khai phù hợp.
Hai là: Triển khai có hiệu quả nội dung hợp tác hữu nghị với một số địa phương đã ký kết hợp tác hữu nghị với tỉnh (Vùng Toscana của Italia, tỉnh Pernic của Bungari) và mở rộng ra các địa bàn mới.
Ba là: Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 34/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Tổ chức rà soát, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản quy phạm, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với quy định pháp luật, thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cánh các thủ tục liên quan đến hợp tác quốc tế, đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư tại châu Âu, trong đó xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm.
Bốn là: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động hợp tác hữu nghị với các địa phương, đối tác châu Âu. Mở rộng tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế, con người, văn hóa, môi trường, chính sách thu hút đầu tư, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm là: Nâng cao công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về hợp tác quốc tế. Phối hợp với các bộ, ngành trung ương chủ động theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin về diễn biến tình hình, kịp thời phổ biến, tư vấn chính sách cho các sở, ngành, doanh nghiệp có liên quan.
Sáu là: Tranh thủ môi trường hợp tác quốc tế thuận lợi giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam và cộng đồng người Việt ở châu Âu, của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn với vai trò là cầu nối quan trọng kết nối, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với cộng đồng châu Âu.
Bảy là: Tăng cường đầu tư nguồn lực thích đáng cho hoạt động hợp tác quốc tế. Có cơ chế, chính sách, kinh phí và lồng ghép vào các đề án, chương trình, kết hợp với nguồn xã hội hóa thực hiện các nhiệm vụ.
Tám là: Phát huy sức mạnh đối ngoại nhân dân trong hỗ trợ đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước. Đồng thời củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với nhân dân các địa phương có quan hệ hợp tác với Vĩnh Phúc. Tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Kiều bào ở nước ngoài làm cầu nối trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các địa phương châu Âu.
Chín là: Để công tác xúc tiến hợp tác hữu nghị với các địa phương, đối tác của châu Âu đạt hiệu quả, cần xác định tập trung vào một số địa bàn có trọng tâm, trọng điểm như Cộng hoà Italia, Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa Bulgari, Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp…
Thực hiện tốt các giải pháp tăng cường hợp tác hữu nghị với các địa phương của châu Âu, Vĩnh Phúc sẽ phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Khuất Văn Khanh
(Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh)