Nhiều năm qua, đời sống văn hóa cơ sở (VHCS) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ và trở thành phong trào rộng khắp, giữ vị trí quan trọng trong xây dựng lối sống của mỗi người dân; tạo sự gắn bó sâu sắc giữa văn hóa với đời sống xã hội, góp phần làm lành mạnh, củng cố và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc, từng bước xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Làm đẹp những miền quê đáng sống
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song hoạt động văn hóa từ cơ sở tại các địa phương trong tỉnh luôn nhận được quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền, của ngành Văn hóa, sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
Đời sống VHCS diễn ra sôi động, giàu bản sắc, tiếp tục lan tỏa các giá trị, thể hiện sinh động mức độ “chuyển hóa” của các chính sách văn hóa đi vào cuộc sống, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Để có kết quả trên, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao; tham mưu tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức đoàn thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện truyền thông về cơ chế, chính sách với việc tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng giúp nhân dân hiểu, tích cực hưởng ứng, tham gia việc xây dựng đời sống VHCS, lan tỏa mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Nổi bật là việc đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa tại các Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) giai đoạn 1 được triển khai khẩn trương, đồng bộ, tạo ra cú hích, mang lại diện mạo mới, phục vụ tốt hơn các hoạt động văn hóa trong cộng đồng dân cư. Đến nay, 28/28 Khu thiết chế văn hóa-thể thao tại các LVHKM cơ bản đã hoàn thành các hạng mục công trình theo dự án được duyệt.
Người dân luyện tập thể thao tại Khu thiết chế văn hóa-thể thao, LVHKM Vân Nam, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch. Ảnh: Kim Ly
Các thiết chế văn hóa-thể thao hoàn thành đi vào sử dụng đã phát huy tối đa công năng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, nâng cao nhu cầu sinh hoạt văn hóa- văn nghệ, thể dục-thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân ở các địa phương.
Song song với phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương, các Khu thiết chế văn hóa-thể thao của LVHKM trở thành điểm nhấn, nhân rộng nhiều hình ảnh đẹp, chân thực, tô điểm sức sống mới ở các vùng quê.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được tổ chức và phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, góp phần khơi dậy, gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống (hát Trống quân, Soọng cô, hát chèo…) đã được phục dựng công phu, bài bản, được người dân tiếp nhận, phát triển qua các câu lạc bộ tuồng, chèo, dân ca…
8 tháng năm 2024, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh đã dàn dựng mới 13 chương trình nghệ thuật; thực hiện biểu diễn 196 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, trong đó 190 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân các xã nông thôn, miền núi, cụm khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; 6 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại.
Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước; các buổi chiếu phim lưu động tại các xã miền núi, nông thôn, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh… cũng được diễn ra xuyên suốt và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.
Không ngừng chăm lo đời sống VHCS
Công tác xây dựng đời sống VHCS nói chung, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nói riêng trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển, trở thành phong trào rộng lớn, có sức lan tỏa và thu hút toàn cộng đồng tham gia, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa tại các địa bàn khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp.
Công tác nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm và được các cấp ủy, Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo đô thị nông thôn và đổi thay mạnh mẽ trong xây dựng nếp sống văn hóa tại cơ sở.
CLB hát Soọng cô xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch thu hút nhiều người dân địa phương tham gia. Ảnh: Kim Ly
Tại các thôn, xóm, tổ dân phố, việc xây dựng gia đình văn hóa được đưa vào hương ước, quy ước; việc thực hiện hương ước trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng tiếp tục triển khai rà soát, thống kê, đưa các nội dung về xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống văn minh vào quy ước, hương ước cho phù hợp với sự phát triển hiện nay.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ được nhân dân trong tỉnh duy trì thực hiện nghiêm túc. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 93,9%; 100% thôn, tổ dân phố đã có hương ước, quy ước và phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng.
Bên cạnh đó, phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao ngày càng phát triển rộng khắp, hiện có hàng trăm CLB bóng chuyền hơi, cầu lông, CLB dân vũ… thu hút được số lượng lớn người dân thường xuyên tham gia tập luyện, thi đấu, góp phần làm nở rộ phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường sức khỏe nhân dân.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công Lễ phát động ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024; Lễ khai mạc Hè ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân luyện môn bơi phòng, chống đuối nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024; tổ chức 3 giải thể thao quần chúng, đăng cai giải vô địch các CLB vật cổ điển, vật tự do quốc gia năm 2024…
Có thể thấy việc xây dựng đời sống VHCS đã từng bước tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cũng như thể chất, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển.
Quan trọng hơn, từ các hoạt động VHCS, mỗi người dân sẽ nâng cao được ý thức trách nhiệm, sự tự giác trong việc tham gia các phong trào của cộng đồng, hình thành nếp sống, lối sống văn hóa, bồi đắp tình đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Huyền Linh