Thực hiện chuyển đổi số, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước thay đổi thói quen, cách làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác chuyên môn trên nền tảng, dữ liệu số. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Trà Hương
Theo công bố của UBND tỉnh về xếp hạng mức độ chuyển đổi số các sở, ngành, địa phương trong tỉnh năm 2022, Vĩnh Tường xếp áp chót với vị trí thứ 8/9 huyện, thành phố.
Quyết tâm cải thiện các chỉ số chuyển đổi số, bứt phá vươn lên, huyện Vĩnh Tường đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực tham gia chuyển đổi số; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT thiết yếu đồng bộ, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin.
Với nhiều giải pháp quyết liệt, năm 2023, Vĩnh Tường vươn lên xếp vị trí thứ 2/9 huyện, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2022. Hiện 100% cơ quan thuộc UBND cấp huyện, 28/28 xã, thị trấn đều có hệ thống mạng nội bộ, phục vụ các ứng dụng và dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Phần mềm quản lý điều hành văn bản iOffice đã được ứng dụng ở tất cả các cơ quan hành chính - sự nghiệp, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban, ngành và các xã, thị trấn thực hiện quy trình ký số khép kín, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và hồ sơ cấp kết quả điện tử đều đạt hơn 90%; thanh toán trực tuyến đạt 77,6%. Hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của huyện đạt 99,7%. Tiến độ giải quyết đúng hạn các thủ tục hành chính của Vĩnh Tường luôn đạt 95,6%.
Đến nay, 100% công dân đủ điều kiện đã được cấp căn cước công dân gắn chip; 90,6% công dân được kích hoạt tài khoản định danh điện tử; 100% người dân được lập hồ sơ bệnh án điện tử.
Đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội được cập nhật đầy đủ trên phần mềm và chi trả qua tài khoản ngân hàng. Dữ liệu cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản “sạch” và đồng bộ hóa...
Là đơn vị 2 năm liên tiếp đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND tỉnh luôn chủ động ứng dụng CNTT, số hóa hồ sơ điện tử, đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, từng bước tạo lập dữ liệu mở cho mọi hoạt động nghiệp vụ.
Văn phòng UBND tỉnh có hệ thống mạng nội bộ với 100 nút mạng, được kết nối với đường truyền số liệu của tỉnh trao đổi dữ liệu với các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, được trang bị 3 máy chủ, 2 thiết bị tường lửa, 2 thiết bị mạng core, 7 thiết bị mạng nội bộ, hệ thống sao lưu dữ liệu. 100% cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị được trang bị máy tính.
Đội ngũ công chức, viên chức thuộc Văn phòng UBND tỉnh nói chung và cán bộ chuyên trách về CNTT nói riêng được tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin do các cơ quan chuyên môn tổ chức.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, Văn phòng UBND tỉnh đã từng bước hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhiệm vụ công tác tổng hợp, tham mưu, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND, lãnh đạo UBND tỉnh.
Các ứng dụng dùng chung của tỉnh như thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản điều hành, chứng thư số, phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh... đều được Văn phòng UBND tỉnh triển khai đến toàn bộ lãnh đạo, công chức.
Hiện, 100% báo cáo định kỳ của tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% dữ liệu công báo được cập nhật trên trang Công báo Vĩnh Phúc; 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kết nối hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; 100% văn bản, hồ sơ, công việc (trừ hồ sơ mật) được xử lý trên môi trường mạng; 100% văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành dùng chung của tỉnh được ký số theo đúng quy định.
Mới đây, UBND tỉnh công bố kết quả xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo kết quả đánh giá từng nhóm tiêu chí, điểm trung bình kết quả chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2023 tại các sở, ban, ngành, địa phương đều tăng so với năm 2022.
Kết quả đó cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã nỗ lực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như còn có cơ quan, đơn vị chưa phát huy hiệu quả của các dự án CNTT, chưa khai thác tốt hạ tầng CNTT đã có, chưa thường xuyên ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ; nhân lực chuyên trách về CNTT còn yếu, chưa chủ động trong công tác tham mưu cho lãnh đạo trong việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại các đơn vị; năng lực bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước chưa cao…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số; rà soát công tác số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm sẵn sàng cho việc triển khai chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc.
Bổ sung nguồn lực về tài chính để đầu tư hoàn thiện các ứng dụng nền tảng chuyển đổi số, thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương… Từ đó góp phần xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thùy Linh