Thực hiện chuyển đổi số, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp các ứng dụng, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và hoạt động khám chữa bệnh.
Xác định cơ sở vật chất là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành và hoạt động khám chữa bệnh tại đơn vị.
Hiện, bệnh viện có 40 máy tính, 38 máy in, 7 hệ thống camera giám sát, đường truyền internet tốc độ 200 Mbs, giúp kết nối nhanh đến các thiết bị và triển khai hiệu quả các phần mềm công nghệ số…
Cán bộ Bệnh viện Tâm thần tỉnh hướng dẫn người dân lấy số tự động khi tới khám, chữa bệnh. Ảnh: Dương Chung
Bệnh viện quan tâm, tạo điều kiện, cử đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về CNTT. Đến nay, 100% cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện đã cập nhật thông tin hồ sơ cán bộ trên phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; các khoa, phòng thực hiện gửi và nhận văn bản chỉ đạo trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản.
Hoạt động hội họp kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến tạo thuận lợi và giúp cán bộ, y, bác sĩ tập trung hơn cho công tác chuyên môn; phần mềm kế toán MISA đưa vào sử dụng giúp hoạt động báo cáo, thống kê, kiểm soát tài chính của bệnh viện nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm thời gian, công sức.
Trong công tác khám, chữa bệnh, bệnh viện triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT - HIS. Theo đó, dữ liệu của người bệnh được truyền tải nhanh chóng, liên thông giữa các khoa, phòng; hồ sơ và thông tin các lần khám chữa bệnh của người bệnh đều được số hóa, bảo mật, lưu trữ khoa học… góp phần giảm thiểu sai sót y khoa, đảm bảo độ chính xác và thuận tiện.
Cùng với đó, phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS liên thông với cổng giám định bảo hiểm theo đúng quy định, đúng thời gian, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, bệnh viện đã triển khai thủ tục khám bệnh bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm và các ngân hàng thực hiện thanh toán viện phí bằng hình thức quét mã QR, có đối soát giữa bệnh viện và ngân hàng, qua đó, thủ tục hành chính được đơn giản hóa, đem lại tiện ích cho người bệnh.
Việc thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử vào hệ thống đơn thuốc quốc gia tại bệnh viện cũng tạo sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý bán thuốc kê đơn.
Đối với việc triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện ứng dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS và phần mềm hệ thống thông tin xét nghiệm LIS, hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (RIS-PACS; EMR).
Trong công tác điều trị nội trú, bệnh viện hướng dẫn các khoa sử dụng và khai báo bệnh nhân điều trị nội trú trên phần mềm quản lý lưu trú (ASM) của Bộ Công an. Bệnh viện cũng đã triển khai phần mềm khám chữa bệnh từ xa Vtelehealth và phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử… để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Khoa Khám bệnh là một trong những khoa tiên phong ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyên môn. Khoa đã triển khai hệ thống lấy số tự động, máy quét thẻ CCCD gắn chíp, tư vấn các vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh từ xa cho bệnh nhân…
Bác sĩ Đinh Thị Minh Tâm, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: “Việc ứng dụng CNTT tại khoa đem lại nhiều lợi ích như giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh; nâng cao hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh của cán bộ, y bác sĩ; việc quản lý, theo dõi, lưu trữ hồ sơ bệnh án liên thông, an toàn, bảo mật…
Từ đầu năm đến nay, bệnh viện có hơn 4.900 lượt người đến khám bệnh, trong đó, 3.600 lượt người làm thủ tục khám bằng thẻ CCCD gắn chíp, chiếm tỷ lệ 73%”.
Cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh giám sát, theo dõi diễn biến của người bệnh thông qua hệ thống camera giám sát. Ảnh: Dương Chung
Điều dưỡng trưởng Tạ Thị Biên Thùy, Khoa Điều trị nội trú cho biết: “Với đặc thù người bệnh đều gặp các vấn đề về tâm thần, không kiểm soát được hành vi, nên việc sử dụng hệ thống camera giám sát giúp chúng tôi quản lý, theo dõi diễn biến bệnh tình của người bệnh tốt hơn, kịp thời xử trí các tình huống xảy ra với bệnh nhân.
Phần mềm quản lý bệnh lưu trú cũng giúp kiểm soát tốt hơn đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân, nhờ đó, chúng tôi có nhiều thời gian hơn cho công tác chăm sóc, điều trị sức khỏe người bệnh”.
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển, hướng tới nền y tế hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp Bệnh viện Tâm thần tỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và hoạt động khám chữa bệnh; đồng thời, đem lại nhiều tiện ích cho người bệnh.
Để chuyển đổi số thành công và xây dựng đơn vị trở thành bệnh viện thông minh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh mong muốn các cấp chính quyền, ngành Y tế tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống CNTT, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám chữa bệnh... tạo thuận lợi để bệnh viện thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, điều trị sức khỏe cho bệnh nhân”.
Minh Hường