Vậy là đã tròn 55 năm, Bác Hồ kính yêu vĩnh biệt chúng ta về với 'thế giới người hiền' gặp cụ Các Mác, cụ Lênin, để lại muôn vàn tình thương yêu gửi các tầng lớp nhân dân ta. Đọc lại Di chúc, mỗi chúng ta đều cảm thấy Bác như dặn dò chính mình, đơn vị mình, ngành mình, địa phương mình. Di chúc vẻn vẹn khoảng hơn 1.000 từ, nhưng hết sức khái quát và sâu sắc, vời vợi tình thương con người trong từng dòng, từng đoạn, trong đó có 13 lần Bác Hồ nhắc cụm từ "Nhân dân", 8 lần nhắc cụm từ "đoàn kết".
Xúc động biết bao khi Bác viết trong Di chúc: “NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (Bác gạch chân dưới 7 từ này).
Lời dặn dò chí tình, chí nghĩa ấy khiến tôi nhớ lại các chuyến thăm và làm việc của Bác Hồ ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Đi đôi với việc góp ý định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương ở tầm vĩ mô, Bác Hồ không quên căn dặn tổ chức Đảng các cấp cần quan tâm lo cả chuyện “tương, cà, mắm, muối” cho dân, lo rút ngắn khoảng cách về vật chất và tinh thần giữa miền xuôi và miền ngược, giữa nông thôn và thành thị. Chừng nào để dân đói, dân rét thì độc lập, tự do chẳng có ý nghĩa gì!
Những lời căn dặn tâm huyết ấy, vừa xuất phát từ thực tiễn đời sống nơi Bác đến thăm, vừa là sự kế thừa tư tưởng của các bậc tiền nhân: trong đất trời này không gì quý bằng nhân dân; có nhân dân đồng lòng, hợp sức với những người lãnh đạo tận tâm vì dân, vì nước, chúng ta sẽ có tất cả! Bác Hồ đã nhiều lần lên thăm Côn Sơn và dừng lâu trước tấm bia ngời sáng tư tưởng yêu Dân của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: Sức Dân như nước, chở thuyền là Dân, lật thuyền cũng là Dân! Từ ngày Đảng ta thành lập, nhờ dựa vào Dân, biết đoàn kết toàn dân nên đã đánh thắng 4 cuộc chiến tranh với kẻ thù hữu hình và tiến hành thắng lợi cuộc chiến với kẻ thù vô hình là đại dịch COVID-19 trong những năm 2020-2021 nghiệt ngã. Kế thừa tư tưởng “lấy Dân làm gốc”, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thu được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhờ vậy, “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay” (Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII).
Trong những ngày kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2024), chúng ta bồi hồi tưởng nhớ và khắc ghi công lao trời biển của Bác Hồ, người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Nhà nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Câu thơ của nhà thơ lớn Tố Hữu lại vang trong tâm trí mỗi chúng ta: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người” và tấm gương tuyệt vời về đạo đức của người cộng sản Việt Nam mẫu mực “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Những phẩm chất đặc biệt của Bác Hồ đã và đang tiếp tục tỏa sáng, trở thành động lực tinh thần vô giá, giúp chúng ta tự tin, vững bước trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hôm nay.
Một trang Di chúc với bút tích của Bác Hồ.
Tôi nhớ lại đoạn mở đầu trong Diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng ngày 3/2/1960 tại Hội trường Ba Đình, Bác khẳng định: “với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”. Vĩ đại bởi Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Vĩ đại bởi hàng vạn đảng viên vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc đã dũng cảm chấp nhận tù đày, tra tấn của kẻ thù và không ít đảng viên đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng để duy trì truyền thống tiên phong, gương mẫu “gian khó đi trước, hưởng thụ đi sau”, phát huy vai trò chỉ đạo, dẫn dắt phong trào cách mạng của một Đảng cầm quyền, trong Di chúc Bác Hồ đã dành đoạn đầu tiên và khá dài nói về Đảng:
“TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Làm theo lời Bác dặn, từ Đại hội XI đến Đại hội XII của Đảng, đã có 2 Nghị quyết chuyên đề về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng xuất phát từ thực tiễn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống; trong đó có nguy cơ nghiêm trọng là vấn nạn tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu nhân dân. Đến Đại hội XIII, một lần nữa Đảng ta lại nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, coi đó là nhiệm vụ then chốt, trong đó việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức - tài là “then chốt của then chốt”.
Theo hướng đó, 22 năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về các vấn đề nêu trên, trong đó đáng chú ý là Quy định “19 điều đảng viên không được làm” và tháng 5/2024 vừa qua, lại ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký. Đặc biệt, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiến hành không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Quyết tâm này đã tiếp tục củng cố niềm tin vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thông qua xử lý nghiêm minh những vụ việc cụ thể theo phương châm “nói đi đôi với làm”.
Tính tổng quát, trong 10 năm qua (2010-2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…). Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế cũng được tiến hành kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm. Điều được dư luận xã hội đồng tình cao là xử lý rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn. Xử lý một người để cứu cả tập thể, xử lý để “cảnh tỉnh”, “răn đe” hàng vạn người nếu đang có biểu hiện “nhúng chàm”, để “trị bệnh cứu người”... Trong những năm gần đây, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khuyến khích những cán bộ tự giác nhận lỗi lầm, tự nguyện xin thôi chức, tự nguyện bồi thường thiệt hại do mình gây ra; từ đó các cơ quan pháp luật sẽ xem xét để miễn truy tố hình sự.
Một trong những biện pháp đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là việc khẩn trương hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Từ năm 2012 đến nay, Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; người đứng đầu các cấp, các ngành; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, về tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; về công tác cán bộ, miễn nhiệm, từ chức; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, về cơ chế chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và một số lĩnh vực trọng yếu khác.
Thực tiễn nêu trên là minh chứng sinh động Đảng ta đã và đang nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Trích bài “Tư cách đạo đức cách mạng” do Bác Hồ viết năm 1947). Ngày 3/8/2024 vừa qua, phát biểu trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi nhậm chức cũng như trước báo giới trong nước và ngoài nước, tân Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, bản thân mình cùng với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt, trong đó có việc đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm an ninh - quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 6/8/2024 được cán bộ, nhân dân hoan nghênh vì đó là hướng đi thiết thực, phù hợp nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, vừa khẩn trương triển khai các lĩnh vực công tác phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Tháng Tám mùa thu đau đáu tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và dân tộc, mỗi chúng ta lòng tự nhủ lòng - như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”!
(Theo cand.com.vn)