Ông Trần Đức Phấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho rằng để giải bài toán giành huy chương Olympic thì thể thao Việt Nam không chỉ tập trung đầu tư trọng điểm mà cần thêm sự đột phá.
Thể thao Việt Nam vừa trải qua một kỳ Olympic buồn khi không thể giành được huy chương nào, dù chúng ta có 16 vận động viên (VĐV) tham dự ở 11 môn thể thao. Đây là kỳ Olympic thứ hai liên tiếp mà thể thao Việt Nam trắng tay ở đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.
Dù vậy, khác với Việt Nam, nhiều đại diện ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan vẫn khẳng định được mình tại Olympic Paris vừa qua khi họ không những giành được huy chương mà còn giành được những tấm huy chương vàng danh giá.
Ông Trần Đức Phấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) đã có cuộc trao đổi với Dân trí để định hướng cho mục tiêu phát triển thể thao Việt Nam trong thời gian tới đây, đặc biệt là mục tiêu tìm kiếm huy chương ở Olympic 2028.
Nhiều môn thể thao cần phải đầu tư trọng điểm đột phá
Ông có thể chỉ ra đâu là điểm yếu cốt lỗi khiến thể thao Việt Nam không thể giành huy chương Olympic 2024 và xa hơn là hai kỳ Thế vận hội liên tiếp không giành huy chương như vừa qua?
- Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận một điều là các vận động viên (VĐV) của mình tại Olympic Paris 2024 hoặc các kỳ Olympic trước đây, gần nhất là kỳ Olympic 2020 khi mà tôi vẫn còn đang làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, thì trình độ năng lực, đẳng cấp của họ vẫn chưa đủ sức để cạnh tranh huy chương với các nước khác.
Các VĐV Việt Nam đến Olympic là để tham gia mang tính chất cọ xát, chứ chưa thể tranh tài, cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác. Thế nên tôi phải khen ngợi và đánh giá rất cao về việc các VĐV của chúng ta đã biết vượt lên chính mình, thi đấu tốt ở Olympic Paris 2024.
Họ đã thể hiện đúng và tốt nhất trình độ của họ. Các lãnh đạo của đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic vừa qua cũng có cái nhìn không khác gì tôi. Chúng ta đã có những điểm sáng. Cụ thể là chúng ta vẫn có hi vọng tranh chấp huy chương ở hai môn là bắn súng và cử tạ, còn các nội dung ở các môn khác rất là khó.
Nhưng rõ ràng là việc đầu tư và công tác chuẩn bị VĐV của mình từ khi họ còn trẻ đến khi họ có thể ra sân chơi lớn như Asiad hay Olympic, chúng ta vẫn chưa làm tốt để giúp họ có thể cạnh tranh huy chương.
Đầu tư trong thể thao liên quan đến rất nhiều thứ, rất nhiều nội dung và liên quan đến rất nhiều yếu tố để có thể cạnh tranh huy chương, nhất là huy chương vàng (HCV). Đấu trường Olympic khác rất xa với các đấu trường khác, điển hình là khác rất xa với SEA Games.
Mục tiêu sắp tới đây thể thao Việt Nam phải làm, mà trước đây chúng tôi hoạch định là tập trung đầu tư trọng điểm, nhưng bây giờ không còn là trọng điểm đơn thuần nữa mà phải là trọng điểm đột phá để giải quyết bài toán liên quan đến thành tích.
Trước đây khi chúng tôi tham dự đấu trường Asiad năm 2018 ở Indonesia, thì một trong những giải pháp lúc đó chúng tôi tổ chức thực hiện là phải quyết tâm lấy bằng được một tấm HCV ở một môn thể thao tại Asiad. Và khi chúng tôi đặt mục tiêu như vậy thì chúng ta mới bắt đầu lựa chọn môn, nội dung thi đấu để từ đó đầu tư cho VĐV.
Điều này ở đấu trường Asiad chúng ta có thể làm được vì thời gian không cần nhiều, nhưng ở Olympic chúng ta phải lựa chọn môn, tuyển chọn đào tạo rồi tổ chức thực hiện đầu tư cho VĐV thì có khi phải mất đến hai chu kỳ Olympic chúng ta mới đạt được thành tích như mong muốn.
Do đó nói về việc nguyên nhân thể thao Việt Nam không giành được huy chương như vừa qua là do công tác đầu tư còn nhiều hạn chế. Rõ ràng chúng ta phải mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn trong đầu tư ở một số môn và một số nội dung thì mới hi vọng cải thiện được thành tích.
Thể thao thế giới chú trọng nhiều đến dinh dưỡng, khoa học công nghệ vào thể thao thành tích cao và điều đó đã thể hiện rõ rệt ở Olympic 2024. Việt Nam cần định hướng ra sao về vấn đề này nếu muốn cải thiện thành tích ở các giải Olympic, Asiad trong tương lai?
- Đấy chính là vấn đề tôi đã nói, là đầu tư cho thể thao có rất nhiều nội dung. Yếu tố mang tính tiên quyết đầu tiên là đầu tư cho cơ sở vật chất. Thứ hai là đầu tư chế độ dinh dưỡng cho VĐV. Thứ ba là đầu tư cho khoa học công nghệ, áp dụng khoa học thể thao.
Một vấn đề cần chú trọng đầu tư nữa là liên quan đến y sinh học trong quá trình huấn luyện, vấn đề hồi phục, chữa trị chấn thương cho VĐV. Và theo tôi cơ chế chính sách khen thưởng dành cho các VĐV, HLV đạt HCV ở Asiad hay Olympic cũng quan trọng không kém. Nhưng cơ chế chính sách này phải khác biệt, mang tính đột phá so với cơ chế mà chúng ta đang thực hiện.
VĐV Carlos Yulo được trọng thưởng hậu hĩnh khi giành 2 HCV Olympic cho đoàn thể thao Philippines (Ảnh: Getty).
Nhìn rộng ra các nước, chưa cần nói đến các nước lớn mà các nước ở khu vực Đông Nam Á xung quanh chúng ta, cơ chế chính sách thưởng cho VĐV rất hậu hĩnh, khác biệt với chúng ta.
Rõ ràng cơ chế khen thưởng của chúng ta vẫn đang rất hạn chế. Tôi biết VĐV và HLV của chúng ta hiện nay rất khổ, chúng ta thi đấu bằng ý chí, bằng nghị lực chứ nhìn các quốc gia khác có sự khác biệt hẳn.
Chưa tận dụng tốt nguồn VĐV tài năng trong học đường
Ở Olympic 2024 vừa qua, có thể thấy có nhiều vận động viên Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc đều không phải là VĐV chuyên nghiệp. Nhiều người trong số họ là học sinh, sinh viên vẫn đủ sức giành huy chương. Thể thao Việt Nam hiện tại chưa khai thác được nhiều nguồn này thông qua các giải thể thao sinh viên hay Hội khỏe Phù Đổng, theo ông nguyên nhân vì sao?
- Thực ra chúng ta là nước rất khác biệt trong việc đầu tư cho thể dục thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Ở nước ngoài, hệ thống giáo dục thể chất trong học đường là mang tính hệ thống. Từ cấp tiểu học đến THCS, THPT cho đến đại học họ đầu tư cơ sở vật chất rất bài bản và khoa học.
Trong trường học của họ có khu liên hợp thể thao quy mô hoành tráng, nhưng ở mình thì đa phần chỉ có phòng giáo dục thể chất. Đối với các nước phát triển, học sinh từ tiểu học trở lên họ sẽ tập luyện thể dục thể thao để phát triển sức khỏe thể chất, nhưng nếu ai yêu thích một môn thể thao thì có thể tập luyện sâu hơn để chơi và thi đấu ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên.
Họ có những khu tập luyện, khu thi đấu thể thao nâng cao thành tích đảm bảo yếu tố khoa học và họ dễ dàng tìm kiếm được những VĐV tài năng dù vẫn còn đang đi học, đang ngồi trên ghế giảng đường. Phần lớn VĐV của họ là từ khu vực này.
Chúng tôi đã từng khảo sát, cụ thể như ở Mỹ thì các VĐV đạt thành tích ở Olympic vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ở giảng đường, thậm chí có những VĐV còn rất trẻ chỉ đang học THCS hoặc THPT. Ngược lại ở chúng ta không có hệ thống này. Chúng ta vẫn đang rất khó khăn xây dựng cơ sở vật chất cho các cấp học.
Vì vậy chúng ta chỉ có thể tìm kiếm tài năng từ nhỏ theo kiểu gà nòi. Ở các môn yêu cầu lứa tuổi lớn hơn, từ 9, 10 tuổi trở đi, chúng ta mới đưa vào đào tạo chuyên nghiệp. Mà ngay cả chuyên nghiệp của chúng ta cũng khác với các nước khác.
Môi trường thể thao chuyên nghiệp của chúng ta thì các cháu vẫn phải đi học, chứ không thể bỏ học hoàn toàn được. Mà chúng ta lại không có cơ sở vật chất gắn liền với trường học mà phải tập luyện ở một khu riêng và sau đó đi học phổ thông.
Tập luyện thể thao để có thành tích thì đòi hỏi VĐV phải gắn bó ít nhất 5, 7 năm, nhiều phải hơn chục năm, thậm chí có người phải mất gần 20 năm. Như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh để giành huy chương cũng phải trải qua thời gian rất là dài.
Sự khác biệt này đòi hỏi phải có sự đầu tư của nhà nước, phải đầu tư đồng bộ. Chúng ta phải hướng tới xây dựng được một hệ thống cho mọi tầng lớp có thể cùng tham gia, cùng được hưởng lợi từ chính sách.
Thưa ông, đâu là điểm mà thể thao Việt Nam còn thiếu so với Thái Lan, Indonesia, Philippines, những đại diện của khu vực Đông Nam Á có HCV ở Olympic 2024?
- Khi tôi còn làm ở Vụ thể thao thành tích cao, tôi cũng đã đặt ra trên bàn câu hỏi tại sao các nước Đông Nam Á kém hơn ta ở đấu trường khu vực như SEA Games, nhưng lại thi đấu tốt hơn ở Asiad hay Olympic.
Tôi cùng với các nhà làm chuyên môn cũng từng đặt mục tiêu phải đổi lấy mấy chục tấm HCV ở SEA Games lấy HCB hoặc HCV ở Asiad và cao hơn là huy chương ở Olympic. Tôi cũng đã có thống kê, dù chúng ta giành vị trí nhất, nhì, ba ở SEA Games nhưng ở Asiad hay Olympic, chúng ta chỉ đứng thứ 6, chưa bao giờ giành vị trí thứ 5.
Điều đó cho thấy các nước Đông Nam Á đã sớm chuyển mình từ SEA Games sang đấu trường lớn hơn như Asiad, Olympic. Rõ ràng Việt Nam cũng phải nhanh chóng chuyển mình để không bị tụt hậu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nên nhớ HCV ở Olympic rất danh giá. Tấm HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giúp đoàn thể thao Việt Nam nằm ở vị trí 48 trong bảng tổng sắp huy chương ở Olympic Rio 2016, còn 2 tấm HCV của Philippines hay Indonesia giúp họ lần lượt xếp vị trí thứ 37 và 39 trong tổng số 206 đoàn thể thao dự Olympic 2024.
Và cuối cùng quay lại vẫn là vấn đề mấu chốt từ câu chuyện đầu tư cho VĐV có thành tích cao. Chúng ta khác biệt với các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore khi đầu tư. Singapore chỉ là nước nhỏ nhưng họ có HCV Olympic ở môn bơi lội.
Tôi xin nhắc lại kình ngư nổi tiếng của Singapore là Joseph Schooling, cậu ta có tới 9 người kể cả HLV phục vụ và giúp cậu ấy tập luyện cũng như thi đấu. Họ có hệ thống bài bản, khoa học, đầy đủ cơ sở vật chất, điều mà chúng ta vẫn đang thua kém hơn.
Chúng ta trước đây có cách đầu tư hơi khác so với họ, nhưng giờ đây cách nhìn của chúng ta đã cởi mở hơn, đúng đắn hơn và có bước chuyển mình phù hợp hơn. Chúng ta cũng đang có chiến lược đầu tư thể thao mạnh mẽ hơn, điều đó là rất tốt.
Tôi hi vọng thất bại ở Olympic 2024 sẽ chuyển hóa thành động lực để thể thao Việt Nam tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn, đột phá hơn và hướng tới thành công trong tương lai gần.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi
Nguyễn Lượng (Theo Dantri.com.vn)