Kỳ 2: Mở ra những “mạch đường” phát triển kinh tế
Với những kết quả đạt được, hoàn toàn có thể khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 02 để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong GPMB, đẩy mạnh thu hút đầu tư là quyết sách đúng đắn, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, nghị quyết đã góp phần quan trọng vào việc mở ra những “mạch đường” phát triển kinh tế mới cho tỉnh nhà.
Kết nối liên vùng
Sau khi Nghị quyết 02 được ban hành, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh tạo nên nhiều đột phá mới. Về cơ bản đã tháo gỡ điểm “nghẽn” trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, dự án trọng điểm.
Một số dự án khi bắt tay vào triển khai, tưởng chừng sẽ gặp khó khăn nhưng nhờ cơ chế hỗ trợ, thưởng GPMB theo tinh thần của nghị quyết đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư như: Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, Dự án cầu Đầm Vạc, Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, đợt 1 KCN Sơn Lôi… Qua đó, tạo nên diện mạo và cơ hội phát triển mới cho Vĩnh Phúc.
Cầu Đầm Vạc, công trình "điểm nhấn" của đô thị Vĩnh Phúc.
Từ năm 2020 trở về trước, dù được xem là “lá phổi xanh” của thành phố Vĩnh Yên nhưng không gian mặt nước hồ Đầm Vạc đã khiến nơi đây có sự phát triển cầm chừng. Hai bờ nội thị phía Bắc và Nam của thành phố dù gần nhưng lại bị cách trở, xa xôi, ảnh hưởng đến giao thương, đi lại của người dân cũng như sự phát triển du lịch dịch vụ quanh Đầm Vạc và các ngành kinh tế khác.
Được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Dự án cầu Đầm Vạc chính thức triển khai vào ngày 1/10/2020 và đi vào hoạt động ngày 30/8/2022. Từ đây, giao thông trên trục chính Bắc - Nam của thành phố Vĩnh Yên trở nên thuận tiện. Dự án cũng giúp kết nối hạ tầng giao thông vận tải cho các đô thị đang hình thành và phát triển quanh Đầm Vạc như: Khu đô thị Bắc Đầm Vạc, khu đô thị Nam Đầm Vạc, khu đô thị Nam Vĩnh Yên, sân golf Nam Đầm Vạc..
Ông Bùi Văn Thiệm, phường Đống Đa chia sẻ, nhờ việc sớm hoàn thành cầu Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên từng bước hoàn chỉnh khung hạ tầng giao thông. Tuyến đường từ Kim Ngọc - cầu Đầm Vạc - đường Quốc lộ 2 tránh phía Nam thành phố Vĩnh Yên theo trục Bắc – Nam được kết nối, giúp giao thông thuận tiện, điều phối các luồng xe, giảm thiểu tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm.
Cũng trên đà phát triển này, sau khi cây cầu đi vào hoạt động, nhiều dự án xung quanh khu vực hồ Đầm Vạc tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, tạo nên một cảnh quan mới, làm thay đổi đáng kể diện mạo thành phố theo hướng hiện đại, phát triển. Nhờ đó, đời sống tinh thần, vật chất của người dân không ngừng được nâng cao.
Với quan điểm phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, hiện nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh chuẩn bị chu đáo các điều kiện, tiếp tục khởi công một số dự án lớn như: Dự án tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; Dự án xây dựng nút giao khác giữa đường Kim Ngọc với đường sắt Hà Nội - Lào Cai; Dự án đường Vành đai 4 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đoạn từ Quốc lộ 2 đi ĐT.305…
Vươn tầm quốc tế
Trong xu thế hiện đại hóa, Logistics (dịch vụ hậu cần, vận chuyển… từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành “cánh tay đắc lực” của doanh nghiệp trong dòng chảy thương mại.
Nhiều hạng mục của Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đã hoàn thiện.
Chính vì vậy, một trong những dự án mà người dân, doanh nghiệp Vĩnh Phúc cũng như toàn miền Bắc đang từng ngày ngóng chờ chính là Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sớm đi vào hoạt động. Bởi đây là dự án đầu tiên trong mạng lưới logistics thông minh, kết nối Vĩnh Phúc với các nước trong khối ASEAN và quốc tế.
Dự án được UBND tỉnh phê duyệt năm 2021 với công suất thiết kế thông quan khoảng 530.000 TEU/năm nằm tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) do Công ty cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc (Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, hai nhà đầu tư Singapore là YCH Group Pte LTD và YCH Holdings (Pte) LTD) làm chủ đầu tư.
Với quy mô 83,8 ha, tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, công tác bồi thường GPMB của dự án ban đầu được dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự “đồng hành” của Nghị quyết 02, tiến độ bồi thường, GPMB của dự án nhanh chóng hoàn thiện, vượt ngoài sự mong đợi.
Năm 2023, dự án đã GPMB xong 81,7ha/83,8ha (gần 98%), đồng thời, xây dựng xong một số hạng mục quan trọng của giai đoạn 1 như: Hệ thống nhà xưởng, kho vận hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, bãi đỗ xe, đường giao thông kết nối với hạ tầng giao thông của tỉnh. Hiện tại, đang tiếp tục đẩy nhanh giai đoạn 2 với các hạng mục: Khu vực kết nối đường sắt quy hoạch, khu kho hàng logistics, công trình hỗ trợ…
Trong tương lai, đây là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt cũng như kết nối với Hà Nội, sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ xử lý khoảng 10% tổng sản lượng hàng hóa container ở các tỉnh phía Bắc, tạo đột phá cho lĩnh vực logistics của Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025, chi phí logistics giảm xuống 16% GDP và tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%.
Với sự hiện hữu của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, chắc chắn sẽ mở ra những “mạch đường” phát triển kinh tế lớn cho tỉnh trong tiến trình hội nhập quốc tế. Vĩnh Phúc tiếp tục được các nhà đầu tư đánh giá là mảnh đất “đẻ trứng vàng”, luôn ưu tiên là lựa chọn hàng đầu cho việc tìm “bến đỗ” đầu tư.
Nhìn lại sau 27 năm tái lập, từ điểm xuất phát không có KCN nào, đến nay, Vĩnh Phúc có 19 KCN được quy hoạch, trong đó, 14 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 8 KCN đi vào hoạt động), thu hút nhiều doanh nghiệp của các quốc gia hàng đầu thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý…
Với đà phát triển này, Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050.
Bài, ảnh: Lê Minh