Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những di chứng, hậu quả của chất độc da cam để lại vẫn là nỗi đau khôn nguôi của biết bao người lính và thân nhân của họ. Không lùi bước trước số phận, nhiều nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã nỗ lực vươn lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện Bình Xuyên có 639 người đang hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, trong đó, 442 người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và 197 người bị ảnh hưởng gián tiếp; số người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, khuyết tật nặng, không có khả năng lao động chiếm hơn 10%.
Hằng năm, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bình Xuyên tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam; động viên, khuyến khích hội viên phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bình Xuyên Nguyễn Ngọc Kha cho biết: "Để giúp đỡ hội viên vươn lên trong cuộc sống, hội đã đa dạng hình thức hỗ trợ nạn nhân với tinh thần “Cho cần câu chứ không cho con cá”. Hội vận động các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ được hơn 500 triệu đồng tạo nguồn hoạt động và hỗ trợ hội viên, nạn nhân khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, nhiều hội viên đã thoát nghèo, trở thành tấm gương sáng vượt lên nghịch cảnh, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc".
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng ở thị trấn Hương Canh. Ông Thắng có mức độ thương tật hơn 40%. Mỗi khi thời tiết thay đổi, vết thương trên cơ thể lại tái phát, nhưng nỗi đau về thể chất cũng không thể bằng nỗi đau tinh thần khi 2 người con của ông đều bị tâm thần do ảnh hưởng chất độc da cam.
Không gục ngã trước số phận, ông Thắng luôn cố gắng tìm tòi học hỏi những cách làm, mô hình hay để phát triển kinh tế gia đình, có điều kiện chữa bệnh cho con. Hằng ngày, không kể nắng mưa, vợ chồng ông đều chăm chỉ tăng gia sản xuất, trồng các loại rau xen canh, lấy ngắn nuôi dài. Sản xuất, kinh doanh thuận lợi, năm 2007 ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 3 tỷ đồng đầu tư kinh doanh đồ gỗ nội thất.
Mang trong mình chất độc da cam cùng thương tật hơn 40%, nhưng ông Nguyễn Hữu Thắng ở thị trấn Hương Canh luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Trà Hương
Ông Thắng chia sẻ: “Do chưa có kinh nghiệm nên việc buôn bán gặp nhiều khó khăn. May mắn trong quá trình kinh doanh, tôi được nhiều bạn bè, người thân giúp đỡ, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Dần dần, cửa hàng đã có lượng khách ổn định, thu nhập tăng lên. Việc kinh doanh phát triển tốt, tôi tiếp tục mở rộng quy mô cửa hàng rộng gần 300 m2 để trưng bày, bán các sản phẩm đồ gỗ nội thất, chăn ga gối đệm...; trung bình lợi nhuận đạt từ 250 - 400 triệu đồng/năm”.
Ngoài tập trung phát triển kinh tế, ông Thắng còn là hội viên tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, tích cực hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương và trẻ em nghèo vùng cao. Mỗi năm, gia đình ông trích khoảng 5% lợi nhuận kinh doanh để thực hiện công tác an sinh xã hội.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1986, ở thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi bị mất thị lực 1 bên mắt do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Mặc dù sức khỏe yếu, bên mắt còn lại cũng đang dần bị giảm thị lực nhưng anh Ngọc luôn chăm chỉ làm việc để ổn định cuộc sống.
Năm 2017, được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ tình thương để phát triển kinh tế, vợ chồng anh Ngọc mở cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thôn.
Anh Ngọc chia sẻ: “Ngoài việc phụ giúp vợ bán hàng tạp hóa tại nhà, tôi còn làm thêm nhiều công việc khác khi có người thuê. Mặc dù cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi luôn nhắc nhở bản thân phải hướng về phía trước, là chỗ dựa tinh thần cho bố mẹ và vợ con”.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng hậu quả chất độc da cam vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thế hệ gia đình. Để cùng vượt qua nỗi đau ấy, rất cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.
Hương Giang