Sáng 8/8, đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo một số nội dung quan trọng. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu kết luận hội nghị.
Báo cáo với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang cho biết: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tình hình KT-XH của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang báo cáo một số nội dung quan trọng.
Quy mô nền kinh tế và giá trị GRDP bình quân/người tiếp tục tăng và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; thu hút đầu tư đạt khá trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; diện mạo đô thị, nông thôn từng bước được hoàn thiện; chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục ngày càng nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm với nhiều chính sách hỗ trợ cao hơn mức chung của cả nước; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Đến hết năm 2023, có 14/36 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, 8/36 chỉ tiêu xấp xỉ đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra và 14 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Dự kiến đến hết năm 2025, sẽ có 31/36 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt mục tiêu đã đề ra; 5/36 dự kiến không đạt mục tiêu.
Trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhìn chung tình hình KT-XH năm 2024 của tỉnh đến nay đã có chuyển biến tích cực và có sự phục hồi so với năm 2023.
Dự kiến, 14/15 chỉ tiêu đạt hoặc vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, riêng chỉ tiêu thu ngân sách dự kiến không đạt mục tiêu.
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Vĩnh Phúc với tổng nguồn vốn là hơn 57.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí hằng năm từ năm 2021 đến tháng 7/2024 là hơn 34.907 tỷ đồng, đạt 61,2% so với kế hoạch vốn trung hạn đã giao. Tổng số vốn kế hoạch năm 2024 đã phân bổ đến hết tháng 7/2024 là gần 7,9/9,03 nghìn tỷ đồng.
7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải ngân được hơn 3.325 tỷ đồng, bằng 42,8% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 42,1% so với kế hoạch vốn địa phương đã giao.
Về tình hình triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh và các vấn đề có liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo và trình UBND tỉnh ký văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương tham gia ý kiến vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để thống nhất với Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; công tác quản lý Nhà nước sau đăng ký kinh doanh; công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được quan tâm thực hiện thông qua nhiều chương trình, hoạt động cụ thể.
Từ năm 2021 đến tháng 7/2024, toàn tỉnh thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI và 59.440 tỷ đồng vốn DDI, đạt và vượt các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Lũy kế đến hết 31/7/2024, trên địa bàn tỉnh có 16.760 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký đạt trên 292.395 tỷ đồng; trong đó, số doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động chiếm khoảng trên 75% tổng số doanh nghiệp.
Hiện, tỉnh đã hoàn thành việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; chỉ còn 10 doanh nghiệp Nhà nước thuộc Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.
Sau khi nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-X năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan đã tập trung thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế trong phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là đối với 5/36 chỉ tiêu dự kiến không đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch, xây dựng nông thôn mới, phát triển mạng lưới nước sạch, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn tại các cụm công nghiệp, phát triển nguồn lao động chất lượng cao gắn với thị trường lao động, xây dựng các khu nhà ở cho công nhân…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ngành.
Đồng chí nhấn mạnh những khó khăn, thách thức trong thời gian qua và khẳng định vị trí, vai trò của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cập nhật các dự báo tình hình KT-XH, xây dựng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH hằng tháng, hằng quý; tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô, dự báo sát hơn để có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ động điều hành, triển khai Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030 gắn với thu hút đầu tư, áp dụng mô hình kinh tế mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số.
Tiếp tục tham mưu, phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp phân quyền; quan tâm huy động các nguồn lực, có cơ chế thu hút thêm các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; hạn chế tối đa các dự án kém hiệu quả, dàn trải.
Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Sở Kế hoạch và Đầu tư bám sát quy định của Chính phủ, quy chế làm việc của UBND tỉnh, làm việc có trách nhiệm, tránh gây phiền hà, sách nhiễu.
Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng văn bản; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác chuyển đổi số, khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đồng chí yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển KT-XH.
Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan tăng cường các giải pháp bảo đảm nguồn thu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại tiến độ, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu điều chỉnh sớm theo hướng bố trí dứt điểm các dự án đang triển khai, dự án ưu tiên. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đa dạng hóa loại hình đầu tư, quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; bám sát các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển doanh nghiệp.
Liên quan đến việc thành lập Ban Quản lý Khu du lịch Tam Đảo, đồng chí yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện theo lộ trình.
Cùng với đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh; hướng dẫn các huyện, thành phố kiện toàn Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện.
Văn Cường