Từ ngày 10/10/2023, những người chấp hành xong án tù được vay vốn học nghề, sản xuất, kinh doanh. Nội dung này được quy định tại Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây được xem là một chính sách nhân văn và kịp thời, là điểm tựa giúp những người lầm lỡ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
Chính sách nhân văn
Nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng. Tuy nhiên, trước khi có Quyết định số 22 thì chưa có chính sách riêng nào hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng chính sách tín dụng để khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hút lao động là người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc.
Quyết định số 22 là chính sách hỗ trợ đầu tiên và cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Anh K.Q.H ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho người chấp hành xong án phạt tù để phát triển mô hình trồng hoa, cây cảnh. Ảnh: Thế Hùng
Theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gồm: Người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù).
Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Trong đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn theo phương thức thông qua hộ gia đình; cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn theo phương thức cho vay trực tiếp. Quyết định cũng quy định rõ mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng; vốn vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/lao động.
Quyết định số 22 được đánh giá là chính sách nhân văn, nhân đạo, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn. Bởi không chỉ giúp người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, kế sinh nhai mà còn giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng như những cá nhân khác trong cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Không bỏ ai lại phía sau
Ngay sau khi Quyết định số 22 được ban hành, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Chính phủ đến với nhân dân, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng.
Cùng với đó, công an các địa phương tiến hành rà soát, phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội xác định đối tượng và nhu cầu vốn, đảm bảo đáp ứng kịp thời.
Nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn học nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế để làm lại cuộc đời, thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Xuyên đã chủ động phối hợp với ngành Công an, các tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền địa phương để ủy thác vốn vay ưu đãi đến những trường hợp người chấp hành xong án phạt tù.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách; tập trung rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn để hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn vay kịp thời, đúng quy định.
Đến cuối tháng 6/2024, huyện Bình Xuyên có 23 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kinh tế với tổng số tiền giải ngân gần 2,2 tỷ đồng. Theo rà soát, đánh giá của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Là một trong những hộ gia đình được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, ông L.T.Q ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên chia sẻ: "Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho vay vốn để làm kinh tế. Đây là nguồn lực tiếp thêm động lực để tôi vực dậy trong cuộc sống”.
Tính đến ngày 30/6, huyện Sông Lô có 20 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Đại diện Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết:
"Tín dụng ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách nhân văn, kịp thời, được chính quyền các địa phương và nhân dân đánh giá cao. Không chỉ hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ ổn định cuộc sống, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần giữ vững, ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương".
Tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh có 159 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền giải ngân gần 15 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi này, các hộ gia đình có điều kiện đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, góp phần phát triển kinh tế gia đình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.
Thiệu Vũ