Tường bị nứt vỡ; rui mè bị mục ruỗng, gãy nát; mái ngói hư hỏng, thấm dột nhiều vị trí, mỗi khi mưa xuống nước chảy lênh láng trong đình, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập mất an toàn, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt tín ngưỡng của người dân là thực trạng đang diễn ra tại đình Bảo Đức, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên), rất cần các cơ quan chức năng khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích.
Nhiều vị trí trong đình Bảo Đức nước mưa thấm dột chảy lênh láng trên nền đình.
Theo các tài liệu lịch sử và Ngọc phả còn lưu giữ tại đình Bảo Đức, đình được xây dựng cách đây hơn 200 năm thờ Vua Lý Nam Đế, Thân Mẫu và Phu nhân của Nhà Vua, nằm trên gò Đồng Sản, quay hướng Đông Bắc. Năm 1994, đình Bảo Đức được công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Khi mới xây dựng, đình Bảo Đức chủ yếu được làm bằng gỗ có kiến trúc hình chữ Đinh. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những năm 1950 của thế kỷ trước, đình bị trúng bom sập đổ hoàn toàn. Thời kỳ này, đình Bảo Đức được trưng dụng làm nơi hội họp, đóng quân của quân đội và chính quyền địa phương.
Đình Bảo Đức sau đó được nhân dân trong vùng đóng góp, xây dựng lại có kiến trúc như ngày nay. Đến năm 2009, đình tiếp tục được người dân đóng góp tu sửa lại. Từ đó đến nay, đình không được quan tâm tu bổ, tôn tạo dẫn đến ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện, trong đình Bảo Đức còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý có tuổi đời hàng trăm năm như: Bức cuốn thư bằng gỗ chạm khắc cách điệu tinh xảo; long ngai và tượng Vua Lý Nam Đế bằng gỗ mít sơn son, thiếp vàng; bàn thờ bằng gỗ chạm khắc rồng phượng phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX; nhiều đạo sắc phong của các triều đại phong kiến… mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa.
Mái ngói bị hư hỏng, mục ruỗng.
Chúng tôi đến thực tế tại đình Bảo Đức vào đúng ngày trời mưa to, chứng kiến cảnh tượng trong đình ai nấy đều không khỏi chạnh lòng, xót xa cho di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia.
Nhiều vị trí tường bị nứt thành những vệt dài ngang dọc; mái ngói bị thấm dột, nước chảy thành dòng lênh láng trong đình. Đi sâu vào hậu cung nơi đặt tượng thờ Vua Lý Nam Đế, nhiều đoạn rui mè trên mái bị mục ruỗng, bàn thờ ướt sũng nước mưa.
Thủ từ đình Bảo Đức Nguyễn Đình Tộ xót xa: “Cứ mỗi khi mưa xuống, chúng tôi lại thêm một lần lo lắng, sợ hãi không biết đình còn trụ được đến bao giờ, quá xót xa cho một di tích lịch sử văn hóa mang tầm quốc gia.
Nước chảy tràn bên trong hậu cung đặt tượng thờ Vua Lý Nam Đế.
Chúng tôi phải căng bạt một số vị trí để ngăn thấm dột nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, không những vậy, cứ ngăn được chỗ này thì lại phát sinh một số chỗ khác. Trong khi việc tôn tạo, tu bổ di tích xếp hạng quốc gia phải qua rất nhiều trình tự, thủ tục nên không biết đến bao giờ đình mới được tôn tạo, tu bổ.
Do sự xuống cấp của đình, nhiều hiện vật quý có niên đại hàng trăm năm ở đây không có chỗ bảo quản, lưu giữ phù hợp và đang có nguy cơ hư hỏng, mất đi giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật vốn có.
Điển hình như bức cuốn thư bằng gỗ, chạm khắc rồng hoa lá cách điệu tinh xảo trước kia được treo lên trước ban thờ của đình nhưng đã phải gỡ xuống để đảm bảo an toàn do tường bị hư hỏng, hiện đang xếp ở góc đình chưa có phương án bảo quản, lưu giữ.
Ngoài ra, không ít lần người dân đến thắp hương, lễ bái trong đình đã phải giật mình thót tim vì có những mảng tường, viên ngói rơi ngay bên cạnh, nguy cơ xảy ra mất an toàn bất cứ lúc nào”.
Bức cuốn thư cổ phải nằm xếp góc nguy cơ hư hỏng, mất giá trị.
Phó trưởng Ban Quản lý di tích đình Bảo Đức Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Đình Bảo Đức đã được đưa vào danh mục các di tích được hỗ trợ đầu tư, tu bổ theo nghị quyết của HĐND tỉnh trong giai đoạn 2019-2025, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Đình đang xuống cấp rất nghiêm trọng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, rất mong các cấp, các ngành sớm triển khai công tác tu bổ, tôn tạo để bảo vệ, phát huy các giá trị của di tích, cũng như việc thực hành tín ngưỡng của người dân…”.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh