Các nhà khảo cổ phát hiện ra một tấm bia đá có niên đại 3.500 năm và khắc một trong những biên lai bán hàng lâu đời nhất thế giới trong quá trình khai quật ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Akif Ersoy Ersoy cho biết trên nền tảng X: "Theo lần giải mã đầu tiên, tấm bia đá chữ hình nêm của người Akkadian có niên đại từ thế kỷ 15 trước Công nguyên (TCN) chứa đựng hồ sơ về một lượng lớn giao dịch đồ nội thất".
Tấm bia 3.500 năm tuổi được phát hiện ở Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23/7/2024.
Hệ thống chữ hình nêm được phát triển cách đây khoảng 5.500 năm và được sử dụng rộng rãi trong nền văn minh cổ đại của lưu vực Lưỡng Hà khoảng 3 thiên niên kỷ trước. Người dân ở các nền văn hóa như Babylon, Assyria và Sumer đã sử dụng đầu vót nhọn của cây sậy để viết vào đất sét, sau đó lưu trữ chúng như các văn bản.
Giải thích thêm, ông Ersoy cho biết các nhà nghiên cứu tình cờ phát hiện ra di tích đáng chú ý này tại Eski Alalah thuộc tỉnh Hatay trong quá trình phục hồi sau trận động đất lớn tại khu vực.
Ông cho biết tấm bia này nặng khoảng 28 gram, kích thước 4,2 x 3,5 cm và dày 1,6 cm. Nó có thể cung cấp góc nhìn mới về cơ cấu kinh tế và hệ thống chính phủ vào thời kỳ đồ đồng muộn (khoảng 1.200 - 500 TCN), theo IFLScience.
Các nhà ngôn ngữ học hiện đang làm việc để tiếp tục giải mã văn bản. Một vài dòng đầu tiên ghi lại việc mua bán số lượng lớn bàn ghế cùng với thông tin về danh tính của người mua và người bán.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên về tìm kiếm bia đá bằng tiếng Akkad. Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một tấm đất sét tương tự có ghi lời phàn nàn của một khách hàng với chất lượng đồng của cửa hàng.
(Theo Thanh niên, ngày 24/7)