Xác định phát triển hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH, huyện Sông Lô đặc biệt quan tâm đầu tư, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên kết giữa các vùng, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông, đảm bảo công trình vận hành an toàn, ổn định, phát huy hiệu quả.
Dự án nâng cấp, cải tạo đường từ Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch đến đê tả Sông Lô được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng của huyện Sông Lô.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, hạ tầng giao thông được huyện Sông Lô quan tâm đầu tư.
Giai đoạn 2021-2024, huyện đầu tư 266 công trình giao thông, trong đó, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng như các tuyến kết nối trung tâm huyện đến các xã Đức Bác, Hải Lựu, Lãng Công; nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn xã Nhạo Sơn đi trung tâm huyện, kết nối với tỉnh lộ 307…
Huyện đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông liên kết vùng như đường từ Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch đến đê tả sông Lô; cải tạo, nâng cấp một số đoạn trên tuyến tỉnh lộ 306, tỉnh lộ 307 chạy qua địa bàn huyện và một số tuyến đường chạy qua trung tâm huyện…
Bên cạnh đó, hằng năm, huyện bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông do huyện quản lý. Tính riêng năm 2024, huyện đã bố trí gần 5 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện 52, 53 đoạn từ xã Đồng Thịnh đi xã Yên Thạch, từ xã Yên Thạch đi xã Như Thụy, kết nối với các tuyến tỉnh lộ 306, 307.
Hiện nay, 100% các tuyến giao thông trục thôn, trục xã trên địa bàn huyện đã được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Duy Tiến, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sông Lô cho biết: “Xác định giao thông có vai trò đi trước mở đường cho phát triển KT - XH, huyện đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông liên kết giữa các vùng; đồng thời khắc phục tồn tại, bất cập, đảm bảo các công trình vận hành an toàn, ổn định.
Cùng với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị các cấp và người dân, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo sức bật phát triển KT - XH”.
Có mặt tại Dự án đầu tư xây dựng công trình đường từ Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch đến đê tả sông Lô, nhà thầu đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung lực lượng, phương tiện, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công với quyết tâm hoàn thành vượt thời gian.
Công trình đường từ Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch đến đê tả sông Lô có vai trò đặc biệt quan trọng, kết nối giao thông liên vùng với điểm đầu là giao điểm giữa tỉnh lộ 305 và tỉnh lộ 306 đến đường vành đai thị trấn Lập Thạch, điểm cuối giao cắt với đê tả sông Lô. Dự án có tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng với chiều dài tuyến 6,3km.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng huyện Sông Lô, chủ đầu tư dự án: Năm 2024, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Do đó, Ban Quản lý dự án yêu cầu nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công.
Hiện nay, dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và khan hiếm nguồn đất san lấp thực hiện công trình. Dự án hiện đã thực hiện GPMB được 4,4 km chiều dài tuyến, thi công được 50% khối lượng công việc.
Tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành đơn giá bồi thường, GPMB, có phương án tái định cư đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi, tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công.
Theo báo cáo tiến độ tình hình triển khai các dự án giao thông trên địa bàn huyện Sông Lô cho thấy, phần lớn dự án hiện nay đều gặp khó khăn trong công tác GPMB và khan hiếm nguồn đất san lấp.
Bên cạnh việc chưa xác định được đơn giá bồi thường, GPMB thì công tác quy hoạch đầu tư xây dựng các khu tái định cư chưa kịp thời, vấn đề tạo lập tài sản, sử dụng đất không đúng mục đích, đặc biệt là đất rừng sản xuất của một số hộ dân gây khó khăn trong GPMB.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án giao thông, UBND huyện Sông Lô đã giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương về chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ GPMB thuộc địa bàn quản lý; đồng thời giao các phòng, ban chuyên môn rà soát, khẩn trương hoàn thành phương án xác định giá đất cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với vấn đề khan hiếm nguồn đất san lấp phục vụ các dự án, UBND huyện phối hợp với Sở TN&MT hướng dẫn chủ đầu tư trong việc làm hồ sơ, thủ tục xin cấp phép khai thác tài nguyên tại một số điểm mỏ phục vụ dự án theo quy định, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn