Nghị trường Quốc hội vừa qua lại “nóng” về việc khai, nộp thuế kinh doanh online. Bởi hiện nay, thương mại điện tử đang là lĩnh vực khó quản, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong việc quản lý, giám sát, tránh thất thu thuế.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh tích cực rà soát các hoạt động kinh doanh online, yêu cầu các hộ kinh doanh tuân thủ và chấp hành các quy định của ngành Thuế, đóng góp cho nguồn thu ngân sách.Ảnh: Đức Chung
Thực tế gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, trang mua bán trực tuyến như Facebook, Tiktok, Zalo, Shopee... nở rộ các hoạt động livestream bán hàng với doanh số đạt hàng tỷ đồng mỗi phiên.
Các mặt hàng được rao bán trực tiếp trên mạng có giá thấp hơn, với nhiều khuyến mại so với thị trường truyền thống nên thu hút được một lượng lớn khách hàng tham gia mua sắm. Phần lớn các phiên livestream bán hàng thường diễn ra vào buổi tối đến đêm khuya hằng ngày. Đây có lẽ là khoảng thời gian người tiêu dùng rảnh rỗi nhất để mua sắm.
Đơn cử như tài khoản của một Tiktoker ở vùng Tây Bắc vừa đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/phiên đã tặng xe máy, nhiều mặt hàng có giá trị cho khách hàng trong phiên bán hàng đó.
Doanh số bán hàng đạt hàng chục tỷ đồng/phiên là thật hay ảo cũng khó ai có thể xác nhận, bởi cũng không thiếu người tiêu dùng ảo đặt hàng rồi hủy đơn nhưng cũng được tính vào doanh số đó.
Việc người dân livestream bán hàng, có doanh thu cao là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, các tài khoản mạng xã hội có kê khai, nộp thuế kinh doanh đầy đủ hay không thì cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ.
Năm 2023, thương mại điện tử của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 25%, xếp vào nhóm 5 quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới. Doanh thu quản lý thuế qua kênh thương mại điện tử đạt 3,5 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp 97.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Toàn ngành thuế cũng rà soát hơn 31.000 trường hợp, xử lý vi phạm hơn 22.000 vụ, số thuế tăng thêm trong lĩnh vực này gần 3.000 tỷ đồng...
Chỉ tính đến hết tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh có 86 doanh nghiệp, 376 cá nhân, hộ kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử thuộc diện quản lý của Cục Thuế tỉnh với doanh thu quý I đạt khoảng 212,63 tỷ đồng, số thuế phải nộp tương ứng hơn 2,39 tỷ đồng.
Thương mại điện tử thời gian qua đã trở thành xu hướng tiêu dùng của người dân, việc phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này đã tạo áp lực lớn cho cơ quan chức năng, chính vì vậy ngành thuế cần siết chặt quản lý, tránh thất thu thuế.
Mới đây, Tổng Cục thuế đã ban hành Công điện số 01 về quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Yêu cầu Cục Thuế các địa phương khẩn trương kiểm tra toàn diện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
Rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm... Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng hóa, dịch vụ...
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là một nguồn thu nhập chịu thuế, do đó cá nhân có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải kê khai, nộp loại thuế này. Thực tế, đã có nhiều cá nhân có thu nhập cao từ hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế.
Chị N. V. H, phường Ngô Quyền (Vĩnh Yên) cho biết: "Gia đình đã livestream bán hàng trên mạng xã hội được một thời gian và có doanh thu khá tốt. Hiện tại, gia đình đang đầu tư thêm nhiều mặt hàng mỹ phẩm, quần áo... để tăng doanh thu. Với nguồn thu nhập ổn định, thuộc diện phải nộp thuế, vì vậy tôi đang tìm hiểu, tiến hành các bước để kê khai, nộp thuế cho Nhà nước theo quy định".
Với nhiều nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã tập trung rà soát, kiểm tra đối với các cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động livestream bán hàng, đối chiếu dữ liệu doanh thu chi trả của các tổ chức cho các cá nhân thực hiện quảng cáo, bán sản phẩm hàng hóa trên livestream.
Cùng với đó, hỗ trợ người dân thuộc diện phải đóng thuế tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Thường xuyên phối hợp với Sở Công thương trao đổi thông tin về chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.
Đối với những trường hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu có độ chênh lệch cao so với số tự khai, người nộp thuế bắt buộc phải giải trình bằng hóa đơn, chứng từ hợp pháp, cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã cung cấp cho cơ quan thuế.
Các trường hợp không tự giác kê khai, nộp thuế, Cục Thuế tỉnh sẽ phối hợp với các ngân hàng xác minh dòng tiền, thu nhập để thông báo đến người phải nộp thuế đến làm việc trực tiếp và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thành An