Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố Phúc Yên được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực. Rừng được bảo vệ và phát triển ổn định, độ che phủ tiếp tục tăng, tình trạng phá rừng giảm.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ rừng. Ảnh: Trà Hương
Thành phố Phúc Yên là địa bàn có diện tích rừng lớn thứ 2 của tỉnh, với hơn 4.500 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, rừng đặc dụng hơn 618 ha, rừng phòng hộ hơn 1.220 ha, rừng sản xuất gần 2.733 ha.
Xác định công tác quản lý và bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, xã, phường thực hiện các biện pháp cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp; tăng cường sự giám sát của người dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng về cảnh quan, tài nguyên rừng nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, nâng cao nhận thức của nhân dân và toàn xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên Đào Tuấn Đạt cho biết: “Với diện tích rừng lớn, nằm giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên và thành phố Hà Nội, trong khi đó, nhiều diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng nằm xen kẽ, tiếp giáp khu dân cư nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được Hạt Kiểm lâm thành phố quan tâm, chú trọng.
Đơn vị tăng cường chỉ đạo kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin, thường xuyên kiểm tra các khu rừng, nhất là rừng phòng hộ; tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, các quy định liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp tại địa bàn được phân công phụ trách.
Đồng thời lập kế hoạch chủ động kiểm tra thường xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng trái phép. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân, chủ rừng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng".
Thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng, khô hanh kéo dài dễ dẫn đến cháy rừng. Trước tình hình đó, Hạt Kiểm lâm thành phố chủ động đảm bảo duy trì công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, phân công lực lượng trực 24/24h vào những giờ cao điểm, các tổ đội xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương luôn sẵn sàng cả về con người và trang thiết bị, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra cháy rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên kiểm tra rừng phòng hộ tại thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh. Ảnh: Trà Hương
Về công tác phát triển, sử dụng rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố phối hợp với các xã, phường khuyến khích người dân rà soát diện tích rừng nghèo, rừng năng suất thấp chuyển sang trồng các cây trồng khác có năng suất cao hơn để vừa đạt hiệu quả trong phát triển kinh tế, vừa đảm bảo độ che phủ rừng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” nhằm nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng đầu nguồn; đảm bảo độ che phủ rừng giữ ổn định 33% đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 33 - 35%.
Năm 2024, Phúc Yên được giao trồng 121.000 cây phân tán, 130 ha rừng tập trung. Thực hiện kế hoạch, các xã, phường đã phát động triển khai tổ chức ra quân trồng cây trên địa bàn.
Đến ngày 30/5, thành phố đã trồng được 123.000 cây các loại, đạt 273% so với cùng kỳ năm 2023; trồng rừng tập trung đạt 101 ha, đạt 77,6% so với kế hoạch; sản xuất cây giống đạt 100% kế hoạch. Công tác trồng cây phân tán tiếp tục được thực hiện tại các địa phương. Độ che phủ rừng hiện đạt 33,31%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố Phúc Yên còn gặp một số khó khăn như việc quy hoạch lâm nghiệp đã lâu năm, chưa có quy hoạch mới để phù hợp với các quy hoạch khác và phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ranh giới giữa địa bàn giáp ranh không thống nhất và còn chồng lấn; giá trị thu nhập từ rừng còn thấp, đời sống của người dân làm rừng còn nhiều khó khăn...
Bên cạnh đó, đất rừng sản xuất giao cho hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún nên chưa thu hút được các chủ rừng đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất quy mô lớn; loại hình liên doanh liên kết nhằm tăng quy mô diện tích đất để phát triển sản xuất ở tỉnh là rất hạn chế; việc quản lý rừng và đất rừng của một số chủ rừng là tập thể chưa chặt chẽ nên vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép; nhiều vụ tranh chấp đất rừng chưa được giải quyết dứt điểm…
Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, Hạt Kiểm lâm thành phố tiếp tục phối hợp với cơ quan, đơn vị và chủ rừng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng; đôn đốc chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm tốt phương án phòng, chống cháy rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có; tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng.
Bích Huệ