Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, ít được đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, đến nay, nhiều chợ truyền thống trên địa tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đổ sập bất cứ lúc nào, nguy cơ mất an toàn về người và tài sản, đặc biệt trước mùa mưa bão đang tới gần.
Nhiều chợ xuống cấp
Nằm trên địa bàn thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) - điểm trung chuyển, kinh doanh hàng hóa lớn và sầm uất bậc nhất khu vực phía Bắc - chợ Giang nổi tiếng, thu hút khá đông tiểu thương kinh doanh.
Tuy nhiên, sau 34 năm xây dựng đưa vào sử dụng, đến nay, phần lớn các hạng mục trong chợ đang xuống cấp nghiêm trọng và trở nên cũ kỹ, lạc hậu, không còn đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC), vệ sinh môi trường và nhu cầu sử dụng của các hộ kinh doanh.
Tại nhiều khu vực, nước thải bị ứ đọng bốc mùi khó chịu. Do diện tích kinh doanh ngày càng trở nên nhỏ hẹp so với yêu cầu nên nhiều tiểu thương trong chợ đã cơi nới, xây dựng thêm lều nán để tránh mưa, nắng, song chính điều này cộng thêm hệ thống dây điện chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ, sập đổ.
Chợ trung tâm thị trấn Lập Thạch (Lập Thạch) được đầu tư từ lâu, nhiều hạng mục xuống cấp, nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão. Ảnh: Chu Kiều
Chợ thị trấn Lập Thạch (Lập Thạch) được đầu tư xây dựng từ năm 1991 với các hạng mục chính bao gồm: 1 khu nhà tiệp, 1 dãy quầy kín, 1 nhà ngói ô trống... Chợ thu hút 300 hộ kinh doanh chỗ cố định và hơn 200 hộ kinh doanh không cố định.
Sau hơn 30 năm hoạt động, đến nay, thiết kế và hạng mục các công trình của chợ chưa đáp ứng các điều kiện, quy định hoạt động hiện hành. Nhiều hạng mục của chợ xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan, và không đảm bảo an toàn vận hành sử dụng, bởi luôn tiềm ẩn nguy cơ sập, đổ hoặc cháy nổ do hệ thống PCCC không đảm bảo...
Tương tự 2 chợ trên, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh như: Chợ Đồng Tâm (Vĩnh Yên), chợ trung tâm thành phố Phúc Yên (Phúc Yên),... cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn bởi sau nhiều năm đưa vào sử dụng không đáp ứng các yêu cầu về PCCC, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và không đáp ứng nhu cầu mặt bằng kinh doanh, mua bán.
Trước tình trạng này, việc xây mới, cải tạo chợ được tỉnh và các địa phương quan tâm triển khai. Tuy nhiên, do việc quản lý, kinh doanh khai thác chợ mang lại giá trị kinh tế thấp khiến công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư cải tạo hệ thống chợ còn rất hạn chế ...
Đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão
Theo cơ quan chức năng huyện Lập Thạch, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, giông, lốc, sấm sét... làm sập, đổ nhiều công trình trên địa bàn huyện.
Trước những nguy cơ hiện hữu này, huyện Lập Thạch đề nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất chợ để UBND huyện triển khai các bước tiếp theo.
Trong thời gian chờ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất chợ, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng và cơ quan liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật tham mưu UBND tỉnh về việc quản lý chợ thị trấn Lập Thạch đảm bảo đúng quy định; tiến hành kiểm tra, đánh giá về tình trạng an toàn công trình, PCCC… ở chợ để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước mùa mưa bão 2024.
Là chợ hạng I thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, dự án xây mới chợ Giang đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương xây dựng theo hình thức xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh khóa XV về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư chợ là Công ty cổ phần Thổ Tang Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thực hiện được bởi khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Do thời gian thực hiện kéo dài; các căn cứ, quy định của pháp luật về quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư dự án... hiện nay đã có sự điều chỉnh, thay thế; vì vậy, dự án cần phải được cơ quan quản lý Nhà nước rà soát lại các thủ tục pháp lý, làm cơ sở để triển khai thực hiện các bước tiếp theo...
Trong khi chờ các chợ được đầu tư, xây mới, đáp ứng các yêu cầu hoạt động theo quy định, các tiểu thương cần nâng cao ý thức PCCC, không được sắp xếp hàng hóa gần nguồn điện, lối thoát nạn... đảm bảo an toàn tính mạng người và tài sản, nhất là trước mùa mưa bão cận kề tiềm ẩn nguy cơ đổ, sập chợ.
Lưu Nhung