Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học là xu hướng trong thời đại số. CNTT giúp thay đổi phương thức truyền thụ và tiếp nhận kiến thức, giúp thầy và trò kết nối, phát triển tư duy, kỹ năng học tập, làm việc hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Phần mềm thư viện giúp cán bộ thư viện Trường tiểu học Đồng Ích, huyện Lập Thạch cập nhật, quản lý và tìm kiếm thông tin về sách, báo, tạp chí... một cách thuận lợi. Ảnh: Dương Chung
Xác định ứng dụng CNTT là điều tất yếu của nền giáo dục 4.0, bởi nó mang lại lợi ích cho cả nhà trường, giáo viên và học sinh, ngành GDĐT tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực phục vụ chuyển đổi số; tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục.
Đồng thời chỉ đạo các trường học tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục; phát động các cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số”, "Thiết kế bài giảng điện tử"... từng bước xây dựng kho học liệu số cho giáo viên và người học khai thác sử dụng.
Tại Trường tiểu học Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy được nhà trường thực hiện sớm và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhiều giáo viên của trường đã chủ động soạn giảng giáo án điện tử, thiết kế các bài dạy có ứng dụng CNTT. Mỗi tổ khối cũng xây dựng kho học liệu chung như bài giảng điện tử, bài giảng E-learning giúp học sinh tham khảo khi học ở nhà.
Nhà trường còn thành lập đội ngũ thầy, cô giáo tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh hưởng ứng các cuộc thi Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh trên mạng; tra cứu các loại sách chính thống, đảm bảo phù hợp lứa tuổi, môn học".
Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để đáp ứng công tác giảng dạy. Hiện nay, 100% lớp học đều được trang bị máy tính, hệ thống máy chiếu; các phòng học bộ môn được trang bị bảng điện tử thông minh. Ngoài ra, nhà trường cũng đăng ký internet tốc độ cao để giáo viên, học sinh thuận lợi nghiên cứu học tập và dạy học.
Hầu hết các giờ học đều được thầy, cô giáo ứng dụng CNTT vào bài giảng để những kiến thức khô khan, trừu tượng trở nên sinh động. Nhờ đó, tạo hứng thú học tập cho các em học sinh, việc tiếp nhận kiến thức và phát triển tư duy, kỹ năng học tập của học sinh cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Trước yêu cầu đổi mới trong công tác giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Xiêm, giáo viên bộ môn Khoa học, Trường tiểu học thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch đã nỗ lực đổi mới phương pháp giáo dục. Cô Xiêm không chỉ sử dụng giáo án PowerPoint mà còn chia sẻ phương pháp giúp học sinh ghi nhớ, hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy hoặc hướng dẫn học sinh học trên các app học tập...
Giáo viên Trường tiểu học Định Trung, thành phố Vĩnh Yên chủ động thiết kế giáo án điện tử một cách sinh động, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh: Dương Chung
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Xiêm chia sẻ: “Khoa học là bộ môn trừu tượng cần nhiều hình ảnh sinh động để các em có thể tiếp thu được kiến thức tốt hơn. Trước kia, học sinh chủ yếu tìm hiểu qua sách vở hoặc giáo viên in ra khổ giấy to để các em dễ quan sát, dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, với hình thức giảng dạy như vậy rất tốn kinh phí và thời gian. Một số nội dung cũng khó thể hiện phong phú.
Ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy, giáo viên chỉ cần trình chiếu đoạn video về sự hình thành của loài cây, con vật hay bằng những hình ảnh minh họa sinh động... giúp bài học trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, việc áp dụng giáo án điện tử cũng giúp giáo viên giảm tải áp lực công việc; thỏa sức sáng tạo nội dung bài giảng tới các em học sinh”.
Thầy giáo Hà Huy Thoại, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Hoa Sơn cho biết: “Giáo viên trong trường luôn chủ động ứng dụng CNTT vào giảng dạy, tổ chức bồi dưỡng chuyên đề, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thi đua dạy tốt - học tốt.
Tuy nhiên, để việc ứng dụng CNTT vào học tập mang lại hiệu quả, nhà trường khuyến khích các thầy, cô giáo bên cạnh việc truyền thụ kiến thức cũng cần gợi mở và định hướng cho học sinh những kiến thức bổ ích và cần thiết khác thông qua việc ứng dụng CNTT vào hoạt động học tập”.
Ứng dụng CNTT đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, giảm tải hồ sơ, sổ sách, đổi mới phương pháp giảng dạy; đồng thời, giúp học sinh mở rộng không gian học tập ngoài lớp học truyền thống. Từ đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.
Hương Giang