Đến đền, chùa chiêm bái, cầu hạnh phúc, bình an là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam vào mỗi dịp đầu Xuân, năm mới. Để thể hiện văn hóa đúng mực nơi tôn nghiêm, giữ cho bản thân tâm thế kính ngưỡng nơi không gian tâm linh, nhiều người đã lựa chọn trang phục phù hợp, thể hiện cốt cách, văn hóa khi đi lễ đền, chùa.
Áo dài truyền thống là một trong những trang phục phù hợp khi đi lễ đền, chùa. Ảnh: Trà Hương
Trước đây, do chưa thực sự chú tâm, nên nhiều khách thập phương, nhất là các bạn trẻ ăn mặc khá thoải mái khi đến các cơ sở thờ tự, tạo ra những hình ảnh phản cảm ở chốn tôn nghiêm.
Để giảm bớt những hình ảnh chưa đẹp, nhiều ngôi đền, chùa trên địa bàn tỉnh đã chủ động đặt biển nhắc nhở du khách, phật tử mặc trang phục phù hợp, trang nghiêm khi vào làm lễ, không mặc quần áo ngắn, váy ngắn khi vào di tích.
Những hàng quán kinh doanh quanh khu vực cổng chùa mở thêm dịch vụ cho thuê trang phục đi lễ giúp các bạn trẻ thay đổi trang phục phù hợp trước khi vào đền, chùa.
Các bài báo, phóng sự nói về việc lựa chọn trang phục đi lễ đền, chùa sao cho phù hợp cũng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội giúp nhiều bạn trẻ thay đổi nhận thức cũng như ứng xử có văn hóa khi đến đền, chùa chiêm bái, lễ phật. Bởi vậy, những năm gần đây, tình trạng ăn mặc hở hang, phản cảm tại các di tích đã giảm hẳn.
Nhiều người tự chuẩn bị cho mình những bộ trang phục dành riêng cho việc đi lễ chùa. Chị Cao Thị Minh Thỏa ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô thường xuyên đi lễ chùa, đặc biệt vào dịp đầu Xuân, năm mới.
Được các nhà sư giảng giải, chị Thỏa hiểu rằng, các phật tử, du khách cần giữ gìn sự tôn nghiêm chốn cửa thiền từ lời nói, tác phong, cử chỉ, hành động, trang phục… Điều đó thể hiện lòng kính ngưỡng của phật tử đối với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Nhiều người đã lựa chọn trang phục kin đáo, nhã nhặn khi đi lễ đền, chùa. Ảnh: Trà Hương
Chị Thỏa cho biết: “Tôi đã chuẩn bị một bộ áo dài truyền thống và một bộ áo tràng dành riêng cho việc đi lễ chùa. Các bộ trang phục đảm bảo kín đáo, trang nhã, lịch sự, giúp tôi tự tin, thoải mái hơn khi đến chùa.
Tôi cũng mách bạn bè, người thân mua những bộ trang phục đi lễ chùa vừa kín đáo, thoải mái, giá cả lại phù hợp, chỉ từ 200 - 400 nghìn đồng/bộ tùy vào chất liệu vải, mẫu mã.
Việc mặc trang phục kín đáo, trang nhã khi đến chùa giúp các phật tử, du khách thập phương trở nên gần gũi, dễ chia sẻ với nhau hơn, không phân biệt giàu nghèo, vùng miền… theo đúng tinh thần của đạo Phật”.
Đa số trang phục dành riêng cho việc đi lễ đền, chùa thường có gam màu đặc trưng như lam, nâu, hồng cánh sen với các họa tiết đơn giản như hoa cúc, hoa sen… tạo nên sự trang nhã, lịch sự.
Người dân có thể dễ dàng tìm mua các bộ trang phục này tại các cửa hàng, cửa hiệu chuyên mua, bán trang phục phật tử; khu vực quanh đền, chùa hoặc mua tại các trang website mua sắm trực tuyến với mẫu mã, chất liệu, màu sắc, kiểu dáng phù hợp nhiều lứa tuổi khác nhau.
Hoặc mọi người có thể đặt may các bộ trang phục dành riêng cho việc đi lễ đền, chùa để phù hợp với vóc dáng của cơ thể. Các nhà chùa không quy định phật tử phải mặc những bộ trang phục nhất định khi đến chùa, chỉ cần gọn gàng, kín đáo, lịch sự là được. Do đó, mọi người có thể lựa chọn những bộ trang phục khác nhau tùy theo nhu cầu, sở thích của mỗi người.
Một số trang phục phù hợp khi đến đền, chùa chiêm bái, vãn cảnh như áo dài truyền thống, quần dài kết hợp với áo sơ mi, áo tràng… với màu sắc nhã nhặn, giản dị; tuyệt đối không mặc các trang phục hở hang như váy ngắn, quần áo mỏng, bó sát bởi nó ảnh hưởng đến sự linh thiêng, uy nghiêm nơi đền, chùa.
Sư thầy Thích Tâm Trí, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, huyện Sông Lô cho biết: “Việc mặc trang phục phù hợp khi đến chùa thể hiện ý thức, đạo đức, văn hóa, sự tôn trọng, tôn nghiêm nơi cửa thiền.
Mục đích thực sự của mỗi người khi đến chùa là tìm về nơi thanh tịnh, chế ngự mọi ý niệm tiêu cực, bất thiện nên việc ăn mặc lòe loẹt, nổi bật, theo trào lưu là không cần thiết và không phù hợp với không gian linh thiêng chốn cửa thiền. Nhà chùa thường xuyên nhắc nhở phật tử lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự khi đến chùa. Giờ đây, mọi người đã dần thay đổi nhận thức, ý thức hơn trong việc lựa chọn trang phục đi lễ chùa”.
Trang phục mặc đi lễ đền, chùa không chỉ mộc mạc, giản dị mà còn thể hiện nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, đó là không quá coi trọng vẻ bề ngoài, hướng tâm con người trở về với những giá trị cốt lõi của cuộc sống, thể hiện sự bình đẳng giữa mọi người. Việc chọn trang phục phù hợp khi đi lễ đền, chùa giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, giữ cho tâm thanh tịnh, hướng về giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Bạch Nga