Nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, các cấp, ngành chức năng đã chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới.
Giáo viên Trường mầm non Hoàng Lâu, huyện Tam Dương luôn giám sát chặt chẽ nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn của trẻ.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 9.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD), chế biến thực phẩm, tuy nhiên, chỉ có hơn 650 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2023, Sở Y tế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với 110 cơ sở SXKD thực phẩm, bếp ăn tập thể, phát hiện và xử lý vi phạm về ATTP đối với 4 cơ sở với tổng số tiền 45 triệu đồng.
Sở NN&PTNT đã thẩm định, cấp giấy chứng nhận ATTP cho 70/149 cơ sở SXKD nông - lâm - thủy sản; tổ chức kiểm tra ATTP đối với 120 cơ sở, phát hiện, xử lý 3 cơ sở vi phạm với số tiền 16 triệu đồng; lấy hơn 90 mẫu thực phẩm kiểm tra chất lượng theo hồ sơ công bố sản phẩm của cơ sở.
Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 320 vụ vi phạm trong lĩnh vực ATTP, khởi tố 3 vụ án về hành vi sản xuất, buôn bán lương thực, thực phẩm giả; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 926 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 4,3 tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra hơn 290 cơ sở SXKD thực phẩm, phát hiện, xử lý 60 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính gần 69 triệu đồng, buộc tiêu hủy số hàng hóa giá trị hơn 17 triệu đồng.
Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm và giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm cũng được các sở, ngành, địa phương thực hiện chủ động, thường xuyên, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn khi có tới hơn 90% số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tại tỉnh đều ở dạng thủ công, nhỏ lẻ dẫn đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa ổn định; đa phần sử dụng lao động thời vụ và thường xuyên thay đổi nên việc cập nhật kiến thức về ATTP cho người lao động chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 14 người mắc và phải nhập viện, không có trường hợp tử vong.
Để chủ động, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đáp ứng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, giai đoạn 2024-2025. Trong đó, yêu cầu các sở ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo đối với công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, giám sát nguy cơ gây mất ATTP và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai, đáp ứng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt là đối với các huyện/thành phố có các khu du lịch, khu công nghiệp như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Tam Đảo, Bình Xuyên.
Tăng cường thông tin truyền thông, kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số về ATTP; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm ATTP; thành lập đội cấp cứu cơ động/đội phòng chống dịch cơ động/đội điều tra, xử trí ngộ độc thực phẩm... với số lượng từ 8-10 người/đội tại các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng điều tra, xử trí ngộ độc thực phẩm, giám sát nguy cơ gây mất ATTP; tổ chức diễn tập xử trí ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học, bếp ăn tập thể, cơ sở SXKD, doanh nghiệp, nhà hàng…
Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cấp, ngành, địa phương căn cứ theo hướng dẫn tạm thời đáp ứng ngộ độc thực phẩm với các tình huống cụ thể để triển khai thực hiện nhằm kịp thời xử trí khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe, tính mạng người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Lê Huy cho biết: "Nhằm chủ động dự báo và phát hiện sớm các ca ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm với số lượng người mắc nhiều, hàng loạt trên địa bàn, UBND huyện Yên Lạc đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chủ động thực hiện công tác đáp ứng ngộ độc thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về ATTP, biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các trường học, cụm công nghiệp, làng nghề, chợ, nhà hàng, khách sạn, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; kiên quyết không để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể không đáp ứng các quy định về ATTP hoạt động".
Bài, ảnh: Minh Nguyệt