Hôm nay (mùng 6 tháng Giêng), các cửa hàng, quán ăn sáng đồng loạt mở cửa trở lại phục vụ người dân sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi sáng nay, nhiều hàng quán ăn sáng thông thoáng, không xảy ra tình trạng quá tải, hay phải xếp hàng đi ăn như những năm trước. Các cửa hàng đều giữ nguyên mức giá cũ, hoặc tăng không đáng kể.
Nếu như những năm trước, tại một số cửa hàng, quán ăn có tình trạng người dân xếp hàng đi ăn sáng thì năm nay rất thông thoáng. Theo ghi nhận, 7h sáng ngày 15/2 (tức ngày mùng 6 Tết), nhiều cửa hàng ăn trên một số tuyến phố trung tâm thành phố Vĩnh Yên không thấy vẻ tấp nập, hoặc người dân chen chân nhau đi ăn sáng như những năm trước.
Lượng khách ăn sáng trong ngày đi làm đầu tiên (15/2) ở các hàng, quán giảm đáng kể.
Chị Thảo, chủ cửa hàng bánh cuốn chả trên đường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Hôm nay, tôi mở cửa hàng phục vụ khách nhưng lượng người đến ăn giảm đáng kể. Mọi năm, giờ này khách hàng đến ăn đông; người mua mang về nhiều, nhân viên phải làm việc tất bật thì năm nay vẫn có thời gian ngồi chơi đợi khách".
Vừa thái thịt, chị Thảo vừa cho biết thêm: “Những năm trước không có việc chủ quán và người làm ngồi dưới bếp như thế này mà phải huy động toàn bộ nhân lực ra bán hàng. Nhưng năm nay, chả nướng tôi phải làm cầm chừng, bán đến đâu làm đến đấy nên giờ này vẫn đang ngồi trong bếp thái thịt. Ngoài cửa hàng chỉ có 2 nhân viên phục vụ để thấy nhu cầu ăn uống của người dân năm nay giảm trông thấy".
Thực phẩm được tiểu thương chuẩn bị cầm chừng, hạn chế tình trạng tồn đọng thực phẩm đã qua chế biến.
Chị Thuý Hằng, chủ quán bún mọc trên đường Ngô Quyền cũng cho biết: “Hôm nay là buổi đầu tôi mở cửa bán hàng nhưng lượng khách đến ăn sáng khá vắng. Điều này tôi đã nhận định từ trước Tết và chủ động cắt giảm lượng thực phẩm đầu vào, tránh tình trạng tồn đọng nguyên liệu, ảnh hưởng đến vốn kinh doanh”.
Trên tuyến đường Trần Quốc Tuấn, phường Ngô Quyền - khu vực tập trung nhiều quán phở gà ngon, thu hút đông đảo thực khách nên không khí ăn sáng có nhộn nhịp, sôi động hơn nhưng cũng không có tình trạng xếp hàng đi ăn như mọi năm.
Lượng khách thông thoáng ở nhiều quán ăn trong sáng mùng 6 Tết.
Chủ nhà hàng Phở Thảo cho biết: “Hôm nay nhà hàng mở cửa sau Tết và phấn khởi khi thấy lượng khách quen đến ăn cơ bản ổn định so với ngày thường. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc duy trì được lượng khách hàng như thế này là mừng lắm rồi, tôi không mong muốn gì hơn”.
Ngồi ngoài vỉa hè, cạnh nhà hàng Phở Thảo chờ khách đến ăn và đánh giày, anh Nguyễn Văn Xuân, huyện Tam Dương cho biết: "Năm nay, lượng khách đánh giày còn ít hơn cả những năm dịch Covid-19. Đã 8h sáng nhưng tôi chưa mở hàng dù tay nghề, kinh nghiệm hơn 30 năm, được nhiều khách hàng khó tính tin cậy".
Anh Nguyễn Văn Xuân ngồi cạnh quán phở lặng lẽ chờ khách vào đánh giày
Tại chợ Vĩnh Yên, phường Ngô Quyền, nhiều tiểu thương kinh doanh hàng ăn xuyên Tết phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn, ế ẩm hơn nhiều so với các năm trước. Tại đây, từ ngày mùng 1-3 Tết, một số tiểu thương đã căng bạt, dựng rạp tạm rộng rãi, phục vụ khách hàng đi chơi, du Xuân ghé chân vào ăn nhưng lượng khách đến không đáng kể.
Theo nhận định của các tiểu thương, dịch vụ ăn uống những ngày đầu năm vắng khách là do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế khiến người dân thắt chặt chi tiêu, kể cả trong dịp Tết. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng, quán ăn giữ nguyên mức giá bán, nếu có tăng cũng không đáng kể.
Sau Tết, giá các suất ăn sáng được tiểu thương duy trì ổn định, không có sự biến động như những năm trước
Chị Nguyễn Thị Nhung, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Mùng 4 Tết cả gia đình tôi đi ăn sáng thấy giá dịch vụ cơ bản ổn định, không tăng so với ngày thường. Cụ thể, giá phở bò trước Tết là 35.000 đồng/bát, sau tết là 40.000 đồng/bát, mức tăng này không đáng kể, phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”.
Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ quán bún riêu cua ở phố Chiền, phường Ngô Quyền cho biết: “Sau Tết, giá mỗi bát bún riêu cua tăng 5.000 đồng/bát do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nhất là mặt hàng cua, ốc ngoài Tết ít hơn trong năm, giá cũng tăng từ 30.000-50.000 đồng/kg, thời điểm này lại khó thu mua nên tôi phải điều chỉnh tăng thêm một chút để bù đắp chi phí đầu vào".
Trước tình hình suy thoái kinh tế, tâm lý của các tiểu thương không muốn tăng giá dịp Tết. Mặt khác, phần lớn khách hàng đều là khách quen, ăn sáng quanh năm nên việc thổi giá vào dịp này đối với nhiều người là khó chấp nhận.
Việc không tăng giá dịch vụ không chỉ thể hiện sự văn minh, chuyên nghiệp mà còn là sự tri ân đối với khách hàng khi có sự gắn bó lâu dài với các nhà hàng, quán ăn. Điều này cần được phát huy, khuyến khích để thương mại - dịch vụ có điều kiện phát triển và cạnh tranh lành mạnh.
Bài, ảnh: Hà Trần