Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hạ tầng lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện, bên cạnh việc duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được về xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện thì việc việc củng cố, nâng cao năng lực của tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm.
Công nhân Công ty TNHH Điện Tam Hồng (Yên Lạc) kiểm tra đảm bảo an toàn lưới điện trên địa bàn. Ảnh: Thế Hùng
Còn nhiều tồn tại
Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 đơn vị hoạt động phân phối bán lẻ điện nông thôn. Trong đó có 64 đơn vị bán lẻ điện nông thôn ngoài ngành Điện. Cùng với việc chuyển đổi mô hình quản lý, công tác quản lý, vận hành lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt ở các đơn vị ngoài ngành điện.
Một trong những hạn chế dễ thấy nhất là năng lực tài chính các đơn vị ngoài ngành Điện. Theo số liệu thống kê giai đoạn 2018 - 2022, tại các xã ngành điện bán điện trực tiếp, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã đầu tư gần 149 tỷ đồng cải tạo lưới điện hạ thế khu vực nông thôn. Trong khi đó, tại các xã ngành điện không bán điện trực tiếp, tổng nguồn vốn đầu tư mà các đơn vị ngoài ngành Điện đã đầu tư cải tạo lưới điện chưa đến 69 tỷ đồng.
Nhìn chung, các đơn vị ngoài ngành điện có nguồn vốn hoạt động eo hẹp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản đảm bảo, đặc biệt là với các đơn vị là HTX kinh doanh bán điện hoạt động theo nhiệm kỳ. Chưa kể hằng năm các đơn vị này còn phải trả nợ vốn vay dự án REII. Do đó, việc thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển lưới điện là khói tránh khỏi.
Bên cạnh khó khăn trong huy động nguồn vốn, trình độ của cán bộ quản lý và người lao động tại các đơn vị ngoài ngành điện còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn dẫn đến công tác quản lý, vận hành lưới điện chưa phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế để có kế hoạch sửa chữa cải tạo lưới điện ngay khi có sự cố, khiếm khuyết.
Việc đầu tư trang thiết bị, máy móc để quản lý, vận hành lưới điện của một số đơn vị không đầy đủ. Nhiều đơn vị chưa thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý bán điện khu vực nông thôn. Thêm vào đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về hoạt động điện lực của một số đơn vị chưa cao ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành hệ thống điện, chất lượng điện năng.
Trước những yêu cầu về phát triển KT - XH cũng như nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện ở khu vực nông thôn, việc khắc phục các hạn chế, nâng cao năng lực của các tổ chức hoạt động điện lực là nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; Làng văn hoá kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trong thới gian tới.
Phấn đấu 100% đơn vị bán lẻ điện nông thôn hoạt động hiệu quả
Trước những tồn tại trong công tác quản lý, vận hành lưới điện nông thôn, Đề án nâng cao chất lượng hạ tầng lưới điện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ban hành cuối tháng 9/2023, UBND tỉnh chỉ rõ “Củng cố, nâng cao năng lực tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn” là 1 trong 7 nhiệm vụ cần thực hiện của Đề án.
Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu 100% các tổ chức, đơn vị quản lý bán điện tại khu vực nông thôn hoạt động hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật; tối thiểu 40% doanh nghiệp (30 doanh nghiệp) hoạt động kinh doanh bán lẻ điện nông thôn áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bán điện.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hạ tầng lưới điện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị hoạt động kinh doanh bán lẻ điện khu vực nông thôn chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học cử người đi đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ quản lý và đội ngũ kỹ thuật vận hành.
Đồng thời giao Sở Công thương hằng năm tổ chức tối thiểu 1 lớp tập huấn kiến thức an toàn điện cho các đơn vị quản lý bán điện ngoài ngành điện tại khu vực nông thôn; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động kinh doanh bán điện có nhu cầu chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty TNHH theo quy định của pháp luật và đảm bảo tiếp nhận trả nợ vốn vay dự án REII phần còn lại.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, củng cố, nâng cao năng lực của các tổ chức bán lẻ điện nông thôn, đặc biệt đối với các đơn vị bán lẻ điện ngoài ngành điện. Đối với các đơn vị hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu phát triển lưới điện khu vực nông thôn, không đảm bảo khả năng trả nợ vốn vay dự án REII, cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển giao lưới điện cho ngành điện hoặc tổ chức kinh doanh điện khác có đủ năng lực theo quy định của pháp luật…
Nguyễn Hường