Kỳ 3: Diện mạo mới, niềm vui mới
Xuyên suốt thời gian qua, HĐND tỉnh luôn có những quyết sách mang tính đột phá, sáng tạo trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, từ đó tạo hành lang pháp lý, bệ đỡ trong triển khai phát triển kinh tế-xã hội. Chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) trên địa bàn tỉnh là một trong những minh chứng cho những quyết sách lớn và mới, chưa có tiền lệ của Vĩnh Phúc, nhằm hướng tới mục tiêu “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh”.
Hợp ý Đảng, lòng dân
Ngày 16/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh. Đây là điểm nhấn quan trọng và là sự cụ thể hóa ở các cấp địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư; ở một mức độ xa hơn là thể hiện cho định hướng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫu vậy, LVHKM trên địa bàn tỉnh là một chủ trương lớn và mới, chưa có tiền lệ. Do đó trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, để thực hiện chủ trương này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; vừa làm, vừa phải đúc rút kinh nghiệm.
Chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu dù mới triển khai thực hiện nhưng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống... Ảnh: Khánh Linh
Chia sẻ về những ngày đầu triển khai xây dựng mô hình LVHKM thôn Đông, đồng chí Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường cho biết: "Chủ trương xây dựng LVHKM là một chủ trương mới. Do đó hiểu biết của người dân trong thôn, xã về chương trình còn nhiều hạn chế, quá trình triển khai ban đầu gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, thôn Đông nơi được lựa chọn triển khai xây dựng LVHKM lại có xuất phát điểm thấp cả về cơ sở hạ tầng cũng như phát triển kinh tế. Việc huy động đóng góp, xã hội hóa trong xây dựng LVHKM khó khăn; ngân sách địa phương trong đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng gần như là không có".
Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn và để hiện thực hóa quyết tâm chính trị về xây dựng LVHKM, ngày 5/5/2023, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 06 với 16 chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng LVHKM và Nghị quyết số 08 thông qua Đề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 với 14 tiêu chí thực hiện. Đây có thể coi là đột phá, đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các sở, ngành, địa phương và người dân trong triển khai thực hiện.
Các tiêu chí, chính sách được cụ thể cho chủ thể là người dân tự tổ chức thực hiện mà Nhà nước đóng vai trò là trụ đỡ, không trực tiếp tham gia ở rất nhiều tiêu chí, chính sách. Đặc biệt là người dân phải tự tái cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay dịch vụ của chính mình.
Nhờ bộ tiêu chí toàn diện, cụ thể, dễ làm, dễ đánh giá cùng các chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời; chỉ chưa đầy 1 năm sau triển khai thực hiện, chủ trương xây dựng LVHKM đã được hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hào hứng đón nhận với sự đồng thuận cao và đã đạt được kết quả bước đầu.
Đúng như Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã khẳng định: “Thành quả lớn nhất trong việc xây dựng LVHKM là đã tạo nên thế trận lòng dân, đoàn kết đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp”, chỉ trong hơn 9 tháng triển khai, người dân ở các LVHKM đã chung tay góp sức khoảng hơn 35 tỷ đồng, đồng thời đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình Khu thiết chế vănhóa-thể thao và đường giao thông, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đường giao thông, vệ sinh môi trường, vẽ tranh bích họa, trồng cây xanh tạo cảnh quan...
Đổi thay và kỳ vọng
Mặc dù mới đang ở giai đoạn đầu tiên, thế nhưng, sự hình thành của các LVHKM đã góp phần làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, đô thị ở nhiều nơi trong tỉnh. Nhiều ngôi làng với hệ thống các thiết chế nhà văn hóa, thư viện, sân thể thao, công viên, vườn hoa… được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã trở thành hiện thực trong niềm vui của người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong không khí hân hoan khi Khu thiết chế văn hóa-thể thao LVHKM Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên chuẩn bị khánh thành, bà Phạm Thị Lan, người dân thôn Lập Đinh chia sẻ: “Về làm dâu ở thôn Lập Đinh gần 50 năm, chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày thôn mình lại có sự thay đổi nhanh chóng đến vậy. Đặc biệt, Khu thiết chế văn hóa-thể thao với không gian rộng rãi, khang trang, đầy đủ hạng mục quả thực là điều mà bà con chúng tôi đã mong mỏi từ lâu”.
... Góp phần nâng cao toàn diện chất lượng sống của người dân tại các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Chu Kiều
Cùng với 30 Khu thiết chế văn hóa-thể thao đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, hàng loạt các hạng mục như cải tạo, nâng cấp đường giao thông, đánh số nhà, tên đường; sơn, trát lại và phủ xanh tường rào; nạo vét hệ thống cống, rãnh, thủy vực; thu gom rác thải; chỉnh trang nghĩa trang nhân dân cũng đang được triển khai rầm rộ tại hầu khắp các LVHKM.
Những kết quả bước đầu đạt được đã làm cho cảnh quan, môi trường làng quê có nhiều chuyển biến theo hướng xanh - sạch - đẹp - văn minh. Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, khuyến học-khuyến tài cũng nhờ đó mà diễn ra sôi nổi, thường xuyên hơn.
Đặc biệt, không khí thi đua lao động sản xuất cũng rộn ràng hơn. Đến nay, người dân tại các LVHKM đã đăng ký thực hiện 93 mô hình kinh doanh dịch vụ, thương mại; 14 mô hình homestay, farmstay và 1 điểm du lịch cộng đồng; 22 mô hình vườn sản xuất. 100% huyện, thành phố đã thực hiện giải ngân vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền gần 100 tỷ đồng với 541 hộ gia đình vay vốn.
Sau thành công bước đầu tại 30 LVHKM đầu tiên của tỉnh, chương trình xây dựng LVHKM đã và đang trở thành mối quan tâm, mong mỏi lớn của nhân dân trong tỉnh. Đồng chí Chu Quang Trường, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn chương trình xây dựng LVHKM tiếp tục được nhân rộng để người dân thôn Đồng Quạ nói riêng và các thôn, làng, tổ dân phố khác trong tỉnh sẽ có được những thay đổi tích cực và đặc biệt được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Những đổi thay, kỳ vọng đó thêm một lần nữa chứng minh những nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành, mà cụ thể là các nghị quyết xoay quanh việc xây dựng LVHKM đã thể hiện tư duy đổi mới của Vĩnh Phúc trong việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút nguồn lực phục vụ cho sự phát triển, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách toàn diện cho nhân dân, tạo đột phá trong việc hài hòa giữa phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội.
Kiến tạo nền tảng xã hội vững chắc để đưa Vĩnh Phúc phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng-an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.
Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu. Dự kiến nguồn vốn dành cho Đề án về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 -2030 là 2.610 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 2.475 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện, xã và nguồn xã hội hóa là 135 tỷ đồng.
Thiệu Vũ - Chu Kiều - Nguyễn Hường