Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bấm nút thông qua các dự án luật sáng 27/11
Trước khi tiến hành thảo luận, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 2 dự án Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phát biểu tranh luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng cần làm rõ các quy định ở khoản 4, khoản 5 Điều 9. Đại biểu cho rằng, có một số quy định chưa cụ thể. “Về cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, các đại biểu đồng tình, nhưng tôi thấy rằng quy định chưa rõ, cụ thể về thành phần nội bộ cần phải làm rõ hơn…”, đại biểu Tiến nêu ý kiến.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã có hơn 100 ý kiến góp ý về dự án luật này, kể cả tại các phiên thảo luận tổ và bằng văn bản.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tranh luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật này. Đây là Dự án Luật có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn rất rõ ràng; có tính thuyết phục; xây dựng các cơ chế đặc thù cho thủ đô của đất nước, không phải riêng cho thành phố Hà Nội.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội cùng với Thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để xem xét cho ý kiến thông qua tại kỳ họp sau.
Thiệu Vũ