Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất công nghiệp sụt giảm, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ lãi suất, đưa vốn vay về khu vực nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển theo hướng gia tăng giá trị và bền vững. Từ đó, tăng khả năng hấp thụ vốn, duy trì đà tăng trưởng tín dụng và tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi đang tạo động lực giúp nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đổi mới cây trồng, vật nuôi, phát triển theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định. (Trong ảnh: Mô hình trồng tía tô xanh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc). Ảnh: Đức Chung
Đồng hành với ngành Nông nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn vay ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh (SXKD), phát triển nông nghiệp nông thôn và nông thôn mới. Đặc biệt, các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm trong những tháng đầu năm 2023 giúp doanh nghiệp, hộ vay vốn giảm bớt áp lực về chi phí vốn vay. Nhờ đó, có điều kiện đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô, ổn định SXKD, đảm bảo nguồn hàng hoá cung cấp ra thị trường, tạo ra nhiều giá trị và quay vòng vốn nhanh.
Ông Nguyễn Đình Long, khách hàng vay vốn tại Agribank chi nhánh Lập Thạch cho biết: “Năm 2021, gia đình tôi đầu tư mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ giàn của Đài Loan tại xã Xuân Hòa và Vân Trục (Lập Thạch). Tuy nhiên, với diện tích trồng hơn 10 ha, nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Để hoàn thành, tôi tìm hiểu và vay vốn tại Agribank chi nhánh Lập Thạch.
Nhờ nguồn vốn của Agribank chi nhánh Lập Thạch, mô hình trồng thanh long của gia đình đã được triển khai kịp tiến độ, đến nay mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên. Với công nghệ mới, năng suất và chất lượng quả thanh long đều tăng so với trồng bằng các trụ bê tông như trước kia. Dự kiến trong những năm tới, sẽ cho năng suất cao hơn, đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho gia đình.”
Anh Phạm Văn Hải, chủ trang trại chăn nuôi lợn, quy mô hơn 500 con tại xã Quang Sơn (Lập Thạch) chia sẻ: "Năm 2023, giá lợn hơi biến động thất thường, ̀ở mức thấp trong thời gian dài khiến các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn. Song, nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều cho người chăn nuôi. Nhờ đó, trang trại của gia đình duy trì ổn định đầu lợn, trung bình mỗi tháng xuất bán từ 50 - 70 con, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động".
Tìm hiểu tại Agribank chi nhánh huyện Lập Thạch, một trong những đơn vị dẫn đầu về cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Dù đa số khách hàng là các hộ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ; song với cách làm sáng tạo, bám sát, đồng hành cùng các hộ vay vốn, Agribank chi nhánh Lập Thạch vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 15%. Tính đến hết tháng 10/2023, dư nợ tại Agribank chi nhánh Lập Thạch đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức dưới 1%.
Bạ̀ Nguyễn Thị Hương Lý, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Lập Thạch cho biết: Triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank Việt Nam, Agriabank chi nhánh Lập Thạch đã áp dụng chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng vay vốn.
Để tăng sức hấp thụ vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, chi nhánh đã điều chỉnh lãi suất linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với các phân khúc khách hàng, theo từng ngành nghề, lĩnh vực, chuẩn hóa quy trình, giảm thiểu thủ tục và thời gian xét duyệt khoản vay. Cùng với đó, đẩy mạnh các kênh truyền thông để các thông tin về các chương trình cho vay ưu đãi đến được với khách hàng, ưu tiên vốn vay cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện.
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn huy động ước cả năm 2023 đạt 123 nghìn tỷ đồng, tăng 12,25% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đạt 42 nghìn tỷ đồng tăng 6,28%, tiền gửi của dân cư đạt 80,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cuối năm 2022.
Dư nợ cho vay ước đạt 128 nghìn tỷ đồng, tăng 10,55% so với cuối năm 2022, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 25% tổng dư nợ. Đây là mức tăng trưởng khá, song so với mức tăng trưởng của các năm 2021 và năm 2022 còn thấp
Với sự đồng hành của các TCTD, năm 2023, ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, với nhiều mô hình ngày càng quy mô, hiện đại, hiêu quả hơn.
Đầu tư tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường chứa đựng yếu tố rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, nên hạn mức vay còn thấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu về vốn cho phát triển. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, đội ngũ trí thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, họ dễ dàng tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ, đưa quy trình tối ưu vào sản xuất, giảm mức độ rủi ro.
Đây là một trong những yếu tố để các TCTD quan tâm, tập trung hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hộ sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
Chu Kiều