Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, mặc dù năm 2023 gặp nhiều khó khăn, dự kiến xuất khẩu dệt may giảm hơn so với năm 2022 nhưng năm 2023 cũng ghi nhận sự bứt phá kỷ lục của ngành dệt may về thị trường xuất khẩu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) trao đổi tại họp báo ngày 23/11.
Phát biểu tại Họp báo hội nghị tổng kết Vitas 2023 do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức sáng 23/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2023 ngành dệt may chịu tác động, lượng hàng hoá tồn kho toàn cầu thách thức rất lớn, làm cho nền công nghiệp dệt may chịu tác động lớn. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD, tương đương 8,9%, xuất khẩu vải ước giảm 186 triệu USD, tương đương 6,9%, xuất khẩu sơ sợi ước giảm 485 triệu USD tương đương 10,3%, xuất khẩu nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD, tương đương 16%.
Năm 2023, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.
“Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng năm 2023 là năm xuất khẩu dệt may bứt phá về thị trường, chưa năm nào ngành dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như vậy với 104 thị trường, vùng lãnh thổ”, ông Vũ Đức Giang cho biết.
Trong đó, thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ, trong 9 tháng sản phẩm may mặc xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt trên 11 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 3 tỷ USD, Hàn Quốc là 2,4 tỷ USD, EU là gần 2,9 tỷ USD. Đây là 4 thị trường trọng điểm của ngành dệt may.Tiếp đó, ngành dệt may xuất khẩu sang Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia hơn 600 USD, Anh 504 triệu USD…
“Chúng ta xuất khẩu sang 104 thị trường đây là thách thức, khi thị trường xuất khẩu lớn giảm thì các doanh nghiệp phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu như Châu Phi, Nga, Ấn Độ…Chính những người Việt ở các nước này là cầu nối cho xuất khẩu dệt may xuất sang các quốc gia này”, ông Vũ Đức Giang cho biết thêm.
Để đạt được những kết quả trên, theo ông Vũ Đức Giang, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đã đặt mục tiêu cho cộng đồng doanh nghiệp khẳng định vị thế của ngành, cùng đó, xây dựng giải pháp cùng cộng đồng doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững, đạt chuẩn mực trong các điều khoản hợp đồng thương mại, tổ chức đánh giá. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã đạt rất tốt.
Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng tích cực thực hiện xanh hóa, phát triển bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở trong giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy giải pháp phát triển sản phẩm có tính bền vững, chuyển đổi nồi hơi nước bằng điện thay cho đốt than, củi… Cùng với đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đầu tư mạnh về phát triển công nghệ số, tạo minh bạch trong sản xuất kinh doanh.
“Cùng với việc sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường như sợi gai, sợi tre… ngành dệt may Việt Nam cũng sắp xếp mô hình cộng đồng doanh nghiệp, chuyển dịch nhanh nhà máy từ thành phố về vùng sâu, vùng xa.. Trong những năm qua, dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đầu tư nhiều nhà máy mới nên giữ được tỷ trọng trong xuất khẩu. Chúng tôi kỳ vọng dịp Noel tháng 12 và Tết dương lịch, các thị trường nhập khẩu lớn sẽ thúc đẩy cho năm 2024 khi họ giảm bớt hàng tồn kho. Trong quý 4/2023, ngành dệt may Việt Nam đã nhận được tín hiệu đơn hàng tốt hơn, thị trường bắt đầu nóng lên, đây là xu thế tốt cho mục tiêu 2024 đang đến gần", ông Vũ Đức Giang cho hay.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền Con người và Môi trường trong Chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…
Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (trong đó: 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán) và là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính Phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi – dệt – nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định.
Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, lấy lợi ích của doanh nghiệp dệt may làm trọng tâm. Cụ thể, Hiệp hội thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…
Đặc biệt, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh; truyền tải kịp thời thông tin về ngành, kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đến Hội viên. Đặc biệt, VITAS luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, làm tốt vai trò là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.
“Mục tiêu xuyên suốt năm 2024 của ngành dệt may Việt Nam là tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm rác thải nhà kính, đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao và tập trung giải pháp phát triển công nghiệp thời trang…”, Chủ tịch VITAS cho hay.
Người đứng đầu Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết thêm, hiện nay là cơ hội số 1 cho dệt may thâm nhập vào thị trường toàn cầu nhờ các FTA nhưng có 3 yếu tố cần tuân thủ. Đó là doanh nghiệp cần thích ứng nhanh luật chơi toàn cầu của các nhãn hàng, chủ động nền công nghiệp thời trang. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động, xây dựng chuỗi chặt chẽ với nhà sx sợi, nhuộm, tạo chuỗi trong chiến lược phát triển, tiến tới làm chủ cuộc chơi về thương hiệu toàn cầu.
Theo TTXVN