Nên hay không nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông? Đó là vấn đề được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đây cũng là nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung.
Đa số người dân đều ủng hộ quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe. Ảnh: Kim Ly
Nghị trường sôi nổi
Được thảo luận tại tổ và thảo luận hội trường ngày 24/11, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đặc biệt, tại Điều 8 dự thảo luật quy định 28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong đó có quy định cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Một số ý kiến cho rằng, quy định cấm tuyệt đối lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn là rất cần thiết trong bối cảnh tai nạn giao thông đang phức tạp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ nồng độ cồn bằng "0" chưa phù hợp, nên chăng đề ra ngưỡng hay tỷ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị nên nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm các quốc gia khác, không nên quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức bằng “0” để tránh tình trạng người được kiểm tra “dương tính giả” với nồng độ cồn.
Căn cứ theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ quy định giới hạn nồng độ trong máu hoặc hơi thở ở mức lớn hơn “0”. Đồng thời, lấy dẫn chứng theo nghiên cứu y học, ở trạng thái bình thường của cơ thể, trong máu luôn duy trì nồng độ cồn nhất định ở mức 0,03%, hoặc có trường hợp trong cơ thể có nồng độ cồn do các yếu tố như ăn, uống các thực phẩm lên men trong dạ dày, thuốc điều trị.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị điều chỉnh quy định thành cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1 lít khí thở”.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, sự điều chỉnh này để phù hợp với các quy định tại Nghị định số 100 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021 của Chính phủ và tránh điều luật bị hiểu theo hướng cứ có nồng độ cồn là vi phạm.
Đồng quan điểm cần có mức quy định nồng độ cồn phù hợp khi tham gia giao thông, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng: Quy định hành vi cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn khi tham gia giao thông là cần thiết nhằm giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cần nghiên cứu mức nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ nồng độ cồn bằng "0" chưa phù hợp, nên chăng đề ra ngưỡng hay tỷ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe, nhiều đại biểu nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả.
Bày tỏ sự đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đại biểu Vũ Xuân Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua khảo sát của 177 nước trên thế giới, có 25 nước quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng "0".
“Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về những hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau” - đại biểu Vũ Xuân Hùng thông tin.
Ủng hộ quy định trong dự luật cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng: "Mỗi người có suy nghĩ, ý kiến khác nhau. Song tôi cho rằng cần phải nhất quán và tiếp tục làm quyết liệt việc tài xế đã uống rượu bia là không được lái xe. Đây là chủ trương tốt, đang triển khai. Điều quan trọng là cần làm chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng, phiền hà đến người dân".
Người dân đặc biệt quan tâm
Không chỉ sôi động tại nghị trường, quy định cấm tài xế có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi lái xe tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân tại khắp các địa phương trong tỉnh.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Tuấn Hùng, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Cá nhân tôi cho rằng cần phải tăng thêm nữa hình phạt đối với những người uống rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc cấm tuyệt đối (nồng độ cồn bằng "0") là không hợp lý. Bởi có rất nhiều lý do khiến nồng độ cồn trong cơ thể không phải lúc nào cũng bằng "0".
Cùng quan điểm, anh Lê Văn Kiên, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương cho rằng: Nồng độ cồn cao đến mức không kiểm soát bản thân mà vẫn lái xe là hành vi đáng lên án và phải phạt thật nặng. Nhưng nếu cấm người tham gia giao thông tuyệt đối không có nồng độ cồn trong người thì hơi cứng nhắc và không thực tế. Vì có nhiều đồ ăn thức uống cũng có cồn như bia rượu. Nên chăng, chỉ quy định nồng độ cồn cho phép ở mức tối thiểu, không nên tuyệt đối".
Tuy nhiên, phần lớn người dân được hỏi đều ủng hộ quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe.
"Ủng hộ cấm tuyệt đối, có nồng độ cồn thì không được phép lái xe. Nồng độ cồn và mức độ ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của người lái xe còn tùy thuộc cơ địa mỗi người. Cùng một nồng độ nhưng ở hai người khác nhau thì mức độ tỉnh táo có thể khác nhau. Vì vậy cấm tuyệt đối là phù hợp nhất để đảm bảo sự an toàn cho xã hội, hạn chế thương vong cho người vô tội" - anh Nguyễn Tiến Phương, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hiền, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch cho rằng: “Mọi người hình thành thói quen từ chỗ sợ bị phạt, sau đó thành tự giác không dám uống rượu, bia khi lưu hành phương tiện giao thông. Người dân chúng tôi cũng không biết uống bao nhiêu là đủ và vượt ngưỡng”.
Theo anh Hiền, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông thực tế đã và đang đem lại hiệu quả rất tích cực. “Đó là lý do tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấm tuyệt đối có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Nó thể hiện tính răn đe, kịp thời và hiệu quả đã được chứng minh trong thời gian qua” - anh Hiền chia sẻ.
Thiệu Vũ