Dinh dưỡng là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể sống và phát triển, là nền tảng của sức khỏe. Đặc biệt, đối với người bệnh, dinh dưỡng là một phần không thể thiếu gắn liền với quá trình điều trị tổng hợp và chăm sóc toàn diện. Vì vậy, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đến vấn đề đánh giá, sàng lọc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giúp người bệnh nhanh hồi phục, giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị.
Suất ăn bệnh lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tính toán, cân đối thành phần dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp năng lượng và phù hợp với người bệnh. Ảnh: Trà Hương
Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có khoảng 43% bệnh nhân nhập viện có nguy cơ suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng hoặc có bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như người bệnh chưa thực sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; người bệnh và người nhà khi chăm sóc không đủ kiến thức về dinh dưỡng hợp lý; nhiều người ăn kiêng quá mức trong quá trình điều trị dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng…
Đánh giá tầm quan trọng của dinh dưỡng trong quá trình điều trị cho người bệnh, bác sĩ Đỗ Quang Vinh, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong điều trị, mọi loại thuốc chỉ có thể phát huy tối đa công dụng khi thể chất người bệnh đạt trạng thái ổn định, không suy kiệt vì thiếu hụt dinh dưỡng.
Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng đúng và hợp lý sẽ giúp cơ thể được phục hồi, đặc biệt là đối với người bệnh sau mổ, bỏng, suy dinh dưỡng, thở máy dài ngày…
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò lớn trong điều trị một số bệnh như đái tháo đường, rối loạn lipid, gout, tăng huyết áp, suy thận, suy tim, xơ gan, viêm tụy, bệnh lý về dạ dày, đại tràng... Việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tránh được đợt cấp, tái phát hay chuyển sang mạn tính".
Nhằm nâng cao chất lượng điều trị thông qua việc tuân thủ phác đồ điều trị lâm sàng kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý trong quá trình người bệnh nằm viện, từ nhiều năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai cung cấp suất ăn bệnh lý đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đến toàn bộ người bệnh đang điều trị nội trú tại bệnh viện.
Nhân viên Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân theo mã số chế độ ăn. Ảnh: Trà Hương
Theo thống kê của Khoa Dinh dưỡng, hiện, trung bình mỗi tháng, bệnh viện cung cấp khoảng 10.000-15.000 suất ăn bệnh lý cho người bệnh và hơn 50.000 suất ăn dịch vụ cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Thạc sĩ Khổng Thị Thúy Lan, chuyên viên dinh dưỡng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Trong vòng 48 giờ tính từ thời điểm nhập viện, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ đánh giá, sàng lọc yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng; chỉ định chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho người bệnh có nguy cơ dinh dưỡng; theo dõi và đánh giá lại tình trạng dinh dưỡng trong suốt quá trình điều trị.
Người bệnh không có nguy cơ sẽ được đánh giá lại sau 14 ngày; nguy cơ thấp sẽ đánh giá lại sau 7 ngày; nguy cơ nặng sẽ đánh giá lại sau 1-3 ngày. Khoa Dinh dưỡng luôn phối hợp chặt chẽ với các khoa lâm sàng trong việc lập kế hoạch can thiệp hỗ trợ dinh dưỡng cho các trường hợp người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng, người bệnh mắc các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng hoặc người bệnh diễn biến cần can thiệp dinh dưỡng. Tất cả phiếu đánh giá tình trạng dinh dưỡng đều được gắn trên bệnh án điện tử để các bác sĩ tiện theo dõi tình trạng của bệnh nhân".
Thực hiện Quyết định số 2879 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện” và Thông tư số 18 của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện, những năm qua, cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức hoạt động dinh dưỡng gắn với hoạt động KCB.
Người bệnh đến KCB nội trú đều được sàng lọc yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng, chỉ định chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý.
Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế tuyến huyện do Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế chưa được thành lập riêng mà vẫn lồng ghép với các khoa khác nên việc thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện chỉ dừng ở mức tư vấn dinh dưỡng, đánh giá, theo dõi tình trạng dinh dưỡng trong thời gian nằm viện, chưa triển khai chế độ ăn cho người bệnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ để đáp ứng thành lập khoa dinh dưỡng còn thiếu.
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, thời gian tới, các cơ sở y tế cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng lâm sàng, cung cấp suất ăn bệnh lý cho người bệnh; đồng thời, đa dạng hóa thực đơn nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu về dinh dưỡng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân, góp phần mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Minh Nguyệt