Chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) của Vĩnh Phúc với những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đã và đang thực sự là điểm nhấn lớn nhất hiện nay của tỉnh. Nhiều địa phương thí điểm xây dựng LVHKM tập trung phát triển những mô hình sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng, kết hợp hài hòa giữa cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan, kết cấu hạ tầng KT- XH với hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Nghề chế tác đá là một trong những mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn của LVHKM thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu (Sông Lô) tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Thế Hùng
Được chọn là một trong 28 thôn xây dựng thí điểm LVHKM của tỉnh, phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu (Sông Lô) đã tập trung đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, nghề chế tác đá được chọn là một trong những mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn.
Trên địa bàn xã hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất chế tác đá truyền thống với doanh thu mỗi năm đạt từ 2 - 3 tỷ đồng mỗi cơ sở, chiếm trên 20% tổng thu nhập toàn xã. Cùng với đó, xã xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ, chế biến thịt trâu sấy, mật ong tại các hộ gia đình…, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, đóng góp tích cực vào phát triển KT- XH địa phương.
Khai thác thế mạnh từ các mô hình kinh tế cao sẵn có của địa phương, thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân (Tam Dương) tiếp tục đầu tư nhân rộng các mô hình: Nuôi gà đẻ trứng, vườn hoa cây cảnh, cửa hàng tiện lợi…, đồng thời đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm trứng gà Ai Cập trắng của Hợp tác xã Chiến Thắng.
Để tập trung phát triển kinh tế, xây dựng LVHKM, các cấp chính quyền đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia và định hướng xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ để tạo nguồn trứng sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.
Bám sát bộ tiêu chí Đề án xây dựng LVHKM về phát triển kinh tế và Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM, thôn Thụ Ích, xã Liên Châu- Một trong 3 thôn của huyện Yên Lạc được chọn thí điểm xây dựng LVHKM đã rà soát và lựa chọn một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương như xây dựng vườn sản xuất (trồng phật thủ, cây tía tô, rau theo tiêu chuẩn VietGAP…), nuôi cá…
Tương tự, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) đã chọn thôn Lập Đinh để xây dựng mô hình LVHKM với mục tiêu hình thành thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của thôn, xây dựng khu dân cư văn hóa.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; bảo tồn, phát huy và làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu cũng như phát triển các mô hình kinh tế.
Hiện xã đề xuất hỗ trợ cho thôn Lập Đinh một số mô hình kinh tế như phát triển dịch vụ du lịch ẩm thực, phát triển homestay, trồng cây dược liệu, cây lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi các con đặc sản gắn với du lịch...., góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đặc biệt, LVHKM thôn Đông, xã Phú Đa (Vĩnh Tường) hiện đang là địa điểm du lịch, check-in của rất đông du khách bởi khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với những hồ sen tỏa hương thơm ngát bên cạnh di tích đền đá Phú Đa hơn 300 tuổi.
Mô hình trồng tía tô xuất khẩu của người dân thôn Thụ Ích, xã Liên Châu (Yên Lạc) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng
Đây là dự án sản xuất thử nghiệm mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trồng sen quy mô của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với huyện Vĩnh Tường, được triển khai trên diện tích khoảng hơn 2 ha hứa hẹn hiệu quả kinh tế rõ rệt cũng như tạo cảnh quan môi trường phong phú, đa dạng.
Thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM giai đoạn 2023- 2030 và Nghị quyết số 08 thông qua Ðề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, Vĩnh Phúc dành 2.610 tỷ đồng để xây dựng 60 LVHKM.
Đây sẽ là những khu dân cư hiện đại, văn minh, sạch đẹp với các mô hình kinh tế và văn hóa đa dạng. Theo đó, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sẽ nhận được nhiều mức hỗ trợ cho các mô hình phát triển kinh tế như hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ mô hình du lịch Homestay, Farmstay; mô hình vườn sản xuất; hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà có giá trị kiến trúc; hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội…
Tích cực góp phần xây dựng LVHKM, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã ban hành văn bản, chỉ đạo các phòng chuyên môn, phòng giao dịch các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện rà soát, thẩm định phương án, dự án vay vốn và xét duyệt cho vay đối với các khách hàng có nhu cầu vay vốn phát triển SXKD, dịch vụ tại LVHKM.
Tính đến 31/8/2023, 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải ngân cho vay 541 hộ có nhu cầu và đủ điều kiện tại các thôn thực hiện xây dựng LVHKM với tổng số tiền 96,5 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi trên đã giúp các hộ dân có thêm nguồn lực để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng LVHKM tại các địa phương.
Phấn đấu đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí LVHKM, Vĩnh Phúc luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực và người dân phải được hưởng lợi từ thành quả xây dựng LVHKM, Vĩnh Phúc coi xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trong đó, việc triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, cũng như những mô hình kinh tế hiệu quả trong xây dựng LVHKM đã và đang tích cực góp phần hiện thực hóa chủ trương của tỉnh và mong ước của người dân về những vùng quê đáng sống.
Anh Tú