Với sự nỗ lực vượt bậc, tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, toàn diện, linh hoạt, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 với các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá, huyện Vĩnh Tường đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Công tác GPMB dự án đường trung tâm huyện Vĩnh Tường đạt hiệu quả, tạo thuận lợi cho các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ. Ảnh: Trường Khanh
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Tường lần thứ XXVI xác định, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, đáp ứng nhiệm vụ phát triển KT-XH theo nguyên tắc hiệu quả, bền vững. Trong đó, ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao. Đây là một trong những khâu đột phá để thực hiện thành công nghị quyết đại hội, đưa nền kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững.
Để thực hiện tốt khâu đột phá đó, Huyện ủy Vĩnh Tường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH. Huyện tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng.
Chú trọng phát triển các loại cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu của thị trường như giống lúa chất lượng cao, bưởi, dưa lưới...; quan tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa tại một số xã vùng đất bãi như Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Phú Đa, An Tường... Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành sản phẩm sữa bò tươi liên kết chuỗi với 5 công ty; thành lập mới 1 công ty sản xuất các sản phẩm từ sữa, mang thương hiệu “Sữa Vĩnh Tường”.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử cho doanh nghiệp, HTX, huyện tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, bồi thường, GPMB, đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.
Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện thực hiện các giải pháp tạo nguồn thu từ đất để phục vụ phát triển KT-XH. Thời gian qua, huyện tiếp tục mở rộng thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Đồng Sóc, đã có 5 dự án FDI và 3 dự án DDI thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch đăng ký đầu tư; trong đó, có 2/5 dự án FDI thực hiện thủ tục đầu tư; 3/3 dự án DDI được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.
Cùng với tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế, huyện huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng NTM nâng cao, tạo chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn, từng bước hướng tới mục tiêu đưa Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV.
Đến nay, toàn huyện có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 26 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, đạt 47,27% mục tiêu đại hội. Huyện tiếp tục triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn.
Nhờ được hỗ trợ giống bò sữa nhập ngoại, năng suất và chất lượng đàn bò sữa của gia đình chị Lương Thị Đoan, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường được nâng lên. Ảnh: Trường Khanh
Nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập của người dân là một trong những mục tiêu quan trọng được huyện quan tâm. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận dụng tốt các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực của các cấp, ngành thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi để hộ nghèo được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Nhà nước và cho các đối tượng được tham gia xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Giai đoạn 2021-2023, nhịp độ tăng trưởng bình quân của huyện đạt 10,01%; giá trị sản xuất tăng đều qua các năm, năm 2023 ước đạt gần 18.000 tỷ đồng. Kinh tế phát triển, đời sống, thu nhập của người dân địa phương không ngừng được cải thiện, nâng lên, từ 54,5 triệu đồng/người (năm 2020) tăng lên 62,2 triệu đồng/người (năm 2023).
Trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ được xem là nhiệm vụ “then chốt”, khâu đột phá thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Huyện ủy đã ban hành Đề án số 01 về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ huyện giai đoạn 2021-2025, tạo cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ.
Trong quy hoạch cán bộ, ưu tiên lựa chọn những cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ được đào tạo cơ bản, có triển vọng phát triển. Trong bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, giới thiệu cán bộ ứng cử luôn được thực hiệnchặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm về tiêu chuẩn, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng đề bạt, sử dụng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
2 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho người đứng đầu các chi bộ, đảng bộ cơ sở, các cơ quan đơn vị, trong đó, năm 2022, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu 54 cơ quan, đơn vị; năm 2023, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu 71 cơ quan, đơn vị.
Qua đánh giá hằng năm, các cơ quan, đơn vị cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Ban Thường vụ Huyện ủy giao. Đại đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương; phát huy tinh thần, trách nhiệm, đam mê khát vọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Năm 2022, toàn Đảng bộ có gần 7.600 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó, hơn 1.100 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 66 tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên..
Với tinh thần quyết liệt, chủ động, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Tường đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, trong đó, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mục tiêu của nghị quyết.
Thanh Tuyền