Kỳ 2: Vết thương còn mưng
Những vết cưa chặt, những hủm bẫy, những đám cháy lem luốc… vẫn còn loang trong rừng sâu. Để đắp lại những" vết thương" cho rừng, các "chiến sỹ" kiểm lâm, đồng bào các dân tộc xã Ngọc Thanh nơi đây luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng để rừng hồi sinh mãi xanh tươi.
Một thung lũng sâu, ở đó, chúng tôi bị lọt thỏm, choáng ngợp giữa không gian bao la của rừng. Xe không còn đường để đi tiếp, đoàn chúng tôi xuống đi bộ. Trời thi thoảng lại nắng lên rồi chùng xuống, bầu không khí ong ong, đỏng đảnh khác hẳn với ngoài thành phố… Có lẽ, ông trời thương chúng tôi nên chưa vội đổ mưa.
Chúng tôi chào hỏi bà con đang trồng rừng. Có lẽ, họ đã có mặt ở đây từ sớm, công việc nặng nhọc dưới trời oi bức khiến ai cũng mồ hôi nhễ nhại, trên khuôn mặt, khăn cuốn, áo quần ướt đẫm…
Họ tạm dừng công việc và có vẻ thoáng ngạc nhiên khi bắt gặp nhiều người cùng tới đây, chắc bởi khu vực “lòng chảo” này hiếm khi có người đặt chân.
Qua nhiều chặng đường, chúng tôi phải đi bộ, chui qua những hàng rào thép gai mới có thể tiếp cận những nơi rừng bị chặt phá
Tiếp chuyện với chúng tôi là anh Phó Văn Thanh (người dân tộc Sán Dìu), một người có uy tín với đồng bào nơi đây. Hỏi han và được biết anh bước sang tuổi 44 mà sao những nếp nhăn trên mặt, trên bàn tay… xếp chồng, có lẽ quanh năm nắng mưa với rừng đã làm anh già trước tuổi.
Vắt chiếc khăn trên vai áo bết bát mồ hôi sau một ngày làm việc, khi thấy chúng tôi muốn chia sẻ về công việc của mình, anh Thanh vồn vã nói: Đây là việc làm thường ngày mà các nhà báo, có gì đâu? Nói vậy, nhưng anh chỉ tay về phía khu rừng lem luốc màu đất, màu đen và những xác cây khô khốc phía xa. Anh bộc bạch:
- Ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh này, dù “con chữ” còn thiếu, lao động chân tay phần nhiều và gắn bó với rừng từ nhỏ, được các cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ, đại đa số người dân tộc Sán Dìu luôn “xắn tay” cùng các dân tộc anh em, cùng với cán bộ kiểm lâm, chính quyền địa phương gìn giữ rừng, không để kẻ xấu xâm hại rừng.
Đồng bào coi rừng là báu vật thiên nhiên ban tặng. Tôi đã chứng kiến và nhiều lần tham gia chữa cháy cùng lực lượng kiểm lâm, đi rừng và gỡ vô khối bẫy kẻ gian đặt khắp nơi để sát hại muông thú …
Anh nói say sưa với cảm xúc đong đầy, trong ánh mắt, như vẫn gợi lên hình ảnh những lúc chân trần chạy về phía rừng kêu cứu, lao vào đám cháy, không ngại hiểm nguy…
Ánh mắt, dáng vẻ khắc khổ của anh Thanh và những cô gái đang trồng rừng in đậm trong mỗi chúng tôi. Chia tay họ, đoàn tiếp tục tiến qua những khoảnh rừng bị cháy còn nhem nhuốc - nỗi xót xa dấy lên.
Thấm mệt, dù đi bộ gần ba mươi phút, chúng tôi quyết đến tận nơi để chứng kiến nỗi đau đớn nhất của rừng. Vạch lá, vết thương mưng mủ còn vương trên những gốc cây bị đốn hạ, cưa chặt vội vàng. Anh Trung cho biết:
- Nơi đây giáp ranh với địa hạt rừng của tỉnh Thái Nguyên, xa xôi, địa hình vô cùng hiểm trở nên lâm tặc thường lợi dụng để xâm nhập, phá hại.
Vừa qua, hàng chục cây thông Caribe tuổi đời hơn hai mươi năm đã bị lâm tặc hạ sát trong một đêm. Khi lực lượng chức năng tới thì chúng đã “cao chạy xa bay”, vận chuyển gần hết, còn lại vài ba cây đưa về Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Đông Bắc Bộ. Hiện, vụ việc đang được điều tra, làm rõ. Anh Trung trải lòng:
- Đây là khu vực rừng phòng hộ, tội phạm không chỉ đốn chặt cây gỗ quý mà còn đặt bẫy săn thú, khai thác khoáng sản trái phép, thậm chí, đốt rừng để… trả thù nhau do mâu thuẫn cá nhân.
Rừng xanh đẹp là vậy, hiền hòa là vậy, cho con người nhiều thứ quý giá là vậy, đôi lúc lại rớm máu, bị triệt hạ nghiệt ngã bởi sự tàn độc muôn hình của chính sự tàn nhẫn của con người. Nói ra những điều này, giọng anh Trung trùng xuống, nghẹn ngào.
"Lòng chảo" trong thung lũng luôn có bước chân những người chủ rừng và kiểm lâm
Chúng tôi cùng các thành viên trong đoàn thấu hiểu, vừa xót xa, vừa phẫn uất, vừa cảm thông với nỗi đau quặn thắt của các “chiến sĩ” kiểm lâm nơi đây, khi mà “lực bất tòng tâm”, không thể làm được gì hơn trước tình cảnh những cánh rừng vẫn bị “chảy máu” đang mài xiết trái tim họ.
Đã hơn 5 giờ chiều, những cơn mưa vẫn rình rập trút xuống bất kỳ lúc nào. Anh Thuật (thành viên trong đoàn) giục chúng tôi làm nhanh để kịp ra khỏi rừng. Nhìn lớp đất đỏ, chúng tôi hiểu, nếu mưa xuống, rất nhanh, đất sẽ nhão nhoét, trơn trượt, xe không thể di chuyển, thậm chí, phải ngủ lại rừng chờ khi đường ráo mới có thể ra.
Chiếc xe lao vun vút quay về hướng rừng khu Lập Đinh, tôi nói với các anh kiểm lâm vẫn kịp để đoàn mình vào gặp chủ rừng. Chạy đua với chiều tà và cơn mưa phía trước, chúng tôi đến địa bàn quản lý của anh Lý Văn Phong.
Xã Ngọc Thanh là địa phương có diện tích rừng lớn và rộng nhất trên địa bàn thành phố Phúc Yên, chiếm hơn 4,5 nghìn héc ta và nơi đây, người Sán Dìu sinh sống cũng chiếm tới 23%. Nhiều điểm rừng được giao khoán cho đồng bào dân tộc Sán Dìu quản lý, bảo vệ và chăm sóc.
Ngôi nhà lợp bằng bờ rô xi măng trống trải, cũ kỹ hiện ra, nhưng mát mẻ bởi xung quanh được bao bọc bằng màu xanh ngút ngàn của núi rừng. Sau cuộc điện thoại của anh Thuật, anh Phong vội vã từ rừng phóng xe về. Dáng vẻ thô kệch nhưng rắn rỏi, nước da ngăm đen, anh Phong mỉm cười chào và mời chúng tôi vào nhà uống nước. Nói là nhà, nhưng thực ra là cái lán tạm để anh Phong trú nắng, tránh mưa qua ngày…
Từ bàn tay của anh Phong, hơn hai mươi héc ta rừng luôn xanh tốt, xung quanh lán, anh nuôi dê, gà chọi… Xoài, mít kết trái xum xuê, chín mọng như mời gọi chủ nhân an hưởng.
Rừng luôn xanh tốt bởi có bàn tay của những người dân nơi đây
Anh Phong lấy mấy trái xoài xuống “đãi” chúng tôi. Trong câu chuyện gần một giờ đồng hồ, ai ai trong đoàn cũng như thấy anh thân thuộc từ bao giờ - anh kể câu chuyện hằng ngày lên rừng, ra suối hay chăm sóc những con vật, phòng ngừa, đánh đuổi kẻ gian… cuốn hút đến kỳ lạ, bởi đó là tiếng lòng cất lên từ trái timyêu rừng của anh.
Để có những cánh rừng xanh tốt như hiện tại, anh đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình với rừng, yêu rừng, hết lòng vì rừng, rừng hào phóng trả ơn anh bằng những thành quả ngọt ngào.
Trong hương vị đó, cũng có công sức không nhỏ của các “chiến sĩ” Hạt kiểm lâm đã dày công vun đắp, xây dựng để bà con các dân tộc và những người nòng cốt lôi cuốn, tạo sức lan tỏa tình yêu với rừng như anh Thanh, anh Phong - những con người đáng kính ở miền sơn cước xa xôi, cách trở.
Bài, ảnh: Thu Thủy
(còn nữa)