Vĩnh Phúc có nhiều món ăn truyền thống được chế biến từ những nông sản địa phương, được người dân lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, những món ăn thơm ngon, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe không chỉ được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ phát triển du lịch, đem lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương.
Món bánh chưng gù của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Tam Đảo luôn có mặt trong các bữa tiệc, cỗ và bữa ăn hằng ngày của các gia đình. Ảnh: Kim Ly
Với người Việt, ẩm thực không đơn thuần là món ăn hay thức uống, mà còn chứa đựng cả giá trị văn hóa, tinh thần, phản ánh thói quen sinh hoạt của cộng đồng, được hình hành trong dòng chảy nghìn năm văn hiến. Từ nền nông nghiệp trù phú của miền quê trung du Bắc bộ, người dân Vĩnh Phúc đã chế biến thành nhiều món ăn ngon, mang hương vị đặc trưng riêng của từng vùng đất. Những món ăn được chế biến theo những cách thức khác nhau, có món được chế biến đơn giản, mộc mạc, dung dị, có món cầu kỳ, tinh tế, song đều chú trọng tới việc giữ được hương vị tươi ngon vốn có của thực phẩm.
Nhờ sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực, Vĩnh Phúc có thể “thiết đãi” du khách hàng chục bữa ăn ngon mà không lo trùng món. Mỗi món ăn đều mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, độc đáo. Khi đến với Lập Thạch, du khách được thưởng thức món cá Thính thơm ngon; món bánh gạo rang Tiên Lữ vàng giòn, bùi béo.
Đến với Bình Xuyên, chắc hẳn du khách không thể bỏ qua món bánh hòn, cháo se thơm ngon, đậm đà của 3 làng Kẻ Cánh ở Hương Canh; món nộm vó cần giòn mát, lạ miệng. Các món quà quê như bánh trùng mật mía, đậu rùa Tuân Chính (Vĩnh Tường); tép dầu Đầm Vạc (Vĩnh Yên); mắm tép Đức Bác (Sông Lô); tương Khả Do, Nam Viêm (Phúc Yên); bánh tẻ, chè kho Tứ Yên (Sông Lô); bánh chưng gù, xôi đen, xôi trứng kiến của dân tộc Sán Dìu (Tam Đảo); món nộm rau chuối của dân tộc Dao ở Lãng Công (Sông Lô)… cùng các thức uống nổi tiếng như rượu ba kích Tam Đảo, Trà hoa vàng Tam Đảo…. níu chân du khách mỗi khi về thăm Vĩnh Phúc.
Mỗi món ăn thể hiện “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc, ẩn chứa những giá trị văn hóa, tinh thần của cộng đồng, lịch sử hình thành và phát triển của mỗi vùng đất. Ví dụ như món cá Thính của người dân Lập Thạch được chế biến từ các loại cá nước ngọt tươi, đem sơ chế, ướp thính để lên men chua, thơm để làm chín món ăn một cách tự nhiên.
Nghe các cụ cao niên ở Lập Thạch kể lại, trước đây, đời sống của nhân dân vùng “đá dựng” rất khó khăn, thực phẩm khan hiếm, mỗi khi đến mùa các ao đầm cạn nước, người dân chuẩn bị cấy lúa chiêm, những con cá bắt được dưới ao, hồ được mang đi bán, một phần để ăn tươi và một phần làm chĩnh cá thính để dành ăn dần trong nhiều tháng hoặc cả năm.
Ngày nay, món ăn dân dã này trở thành đặc sản của vùng quê Lập Thạch, mỗi khi du khách có dịp về thăm Lập Thạch đều mua những lọ cá thính làm quà cho gia đình, bạn bè. Chị Nguyễn Thu Hạnh vốn là người con quê hương Vĩnh Phúc sinh sống, học tập và làm việc ở Thủ đô Hà Nội từ nhiều năm nay. Mỗi lần có dịp về thăm quê, chị đều nhờ mẹ tìm mua những lọ cá thính Lập Thạch thơm ngon, những chiếc bánh tẻ Tứ Yên, bánh gạo rang Tiên Lữ để làm quà cho bạn bè, đồng nghiệp.
Chị Hạnh cho biết: “Mỗi khi thưởng thức quà quê, tôi như được sống lại những năm tháng tuổi thơ tuy nghèo khó nhưng vô cùng tươi vui, hồn hậu. Hương vị của những món ăn truyền thống như sợi dây kết nối những người con xa quê về với nguồn cội, lưu giữ những ký ức êm đềm về một thời đã qua”.
Tháng 9/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã công nhận các món ăn bò tái kiến đốt và su su Tam Đảo xào thịt bò của tỉnh Vĩnh Phúc lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam; bánh trùng mật mía Vĩnh Tường và tép dầu Đầm Vạc lọt Top 100 đặc sản quà tặng của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam lần thứ V, năm 2021-2022.
Điều này góp phần khẳng định giá trị văn hóa ẩm thực của tỉnh, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống của Vĩnh Phúc tới du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, nhiều món ăn, nhiều thức quà quê đã được người dân địa phương sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân và du khách. Ẩm thực truyền thống góp một phần quan trọng trong hành trình khám phá, trải nghiệm của du khách khi đến tham quan Vĩnh Phúc.
Mặc dù nhiều món ăn ngon, nổi tiếng của Vĩnh Phúc được gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay, song giá trị ẩm thực truyền thống chưa được khai thác xứng tầm để phát triển du lịch. Nhiều món ăn truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một; một số món ăn được sản xuất theo hướng hàng hóa nhưng quy mô nhỏ lẻ, thị trường phân phối chưa được mở rộng.
Ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa có cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí cho việc phát triển văn hóa ẩm thực. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị ẩm thực truyền thống ở các địa phương chủ yếu mang tính tự phát.
Để đưa ẩm thực truyền thống Vĩnh Phúc đi xa hơn, cần khắc phục những hạn chế trên bằng những giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân giữ nghề truyền thống; tăng cường xúc tiến, quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực của Vĩnh Phúc; đưa các món ăn, thức uống mang bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc vào các nhà hàng, khách sạn để phục vụ du khách; xây dựng các tour du lịch ẩm thực dành cho du khách…
Bạch Nga