"Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cũng một lẽ, lòng dân vui thích, tức là được ý của trời. Thế cho nên, người khéo trị nước yên dân như cha mẹ yêu con. Thấy đói rét thì thương, thấy khổ sở thì xót. Cấm hà khắc bạo ngược, không đánh thuế bừa bãi để cho dân được thỏa sống mà không có tiếng oán than…”.
Đền thờ Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên
Đây là những lời tâm huyết trong tờ khải lên chúa Trịnh Tùng khuyên làm những điều nhân đức để dân yên, nước được hưởng thái bình của Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì, thể hiện tư tưởng xuyên xuốt trong cuộc đời làm quan của ông là vì dân, vì nước.
Theo sử sách và các tài liệu còn lưu giữ, Nguyễn Duy Thì sinh năm 1572 vào lúc sáng sớm giờ Canh Thìn, ngày Ất Mùi, mùng 10 tháng 3, người làng phủ Tam Đới xưa, nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Ông mất năm 1651, hưởng thọ 80 tuổi.
Ông vốn có tư chất thông minh, nhanh nhẹn, lại được gia đình dạy dỗ và tìm các thầy giỏi cho theo học, do vậy khi còn trẻ, ông đã nổi tiếng là nho sinh có tài trí hơn người, được nhiều người xem trọng.
Thậm chí, danh tiếng của ông vang xa đến mức, khi nhà Mạc còn trấn giữ kinh thành Thăng Long, nghe tiếng của nho sinh Nguyễn Duy Thì, quan Thái Bảo nhà Mạc đã cưỡi voi về tận nơi để tỏ sự coi trọng, nhưng ông không tham gia các kỳ thì do nhà Mạc tổ chức và không ra làm quan cho nhà Mạc.
Năm 1592, Trịnh Tùng phò tá nhà Lê đem quân tiến vào kinh thành Thăng Long đánh tan nhà Mạc, đưa đất nước vào thời kỳ Vua Lê-Chúa Trịnh. Năm 1598, trong khoa thi Mậu Tuất, năm Quang Hưng 21 đời vua Lê Thế Tông, Nguyễn Duy Thì ra ứng thi và đỗ Hoàng Giáp, khi đó ông 27 tuổi.
Tượng thờ Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì trong đền
Trong suốt cuộc đời của mình với hơn 40 năm làm quan phục vụ 5 đời vua và 2 đời chúa, với phẩm chất trí tuệ, đạo đức nhân cách, uy danh của mình, ông đã được các đời Vua Lê-Chúa Trịnh tin tưởng giao nhiều trọng trách rường cột của quốc gia, dân tộc.
Trong đó, có một số chức quan được văn bia ghi lại như Thượng thư Bộ Công (1626), Thượng thư Bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ sự, Tế tửu Quốc Tử Giám, Hàn lâm viện Thị giảng, Chưởng Hàn lâm viện sự, Thái phó, tước Tuyền Quận công (1648-1649)… Ông từng hai lần được cử đi sứ sang nhà Minh vào các năm 1606 và 1623.
Dù ở bất kỳ cương vị nào, với tư tưởng lấy dân làm gốc, hết lòng vì nhân dân, ông đã hiến nhiều kế sách để Vua Lê-Chúa Trịnh chăm lo cho dân, yên dân, giữ nước, tiêu biểu là tờ khải khuyên chúa Trịnh Tùng kế sách trị nước an dân.
Đồng thời, nêu rõ những việc làm sai trái, những nguy cơ cần phải loại bỏ, khắc chế đội ngũ quan lại không được hà hiếp nhân dân, trong tờ khải ông cho rằng "Những người thừa hành không biết thể theo y đức của Thánh thượng mà họ chỉ chăm làm việc hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ một huyện, coi một xã thì làm khổ một xã, phàm những việc nhiễu dân, không việc gì là họ không làm, khiến dân trong một nước, con trai thì có người không áo, con gái thì có người không váy... dân mọn nghèo nàn, cho chí sâu bọ cỏ cây đều không được thỏa sống.
Vì thế, cảm động đến đất trời, đến nỗi lòng trời ở trên chưa thuận, tai họa, lụt lũ quá mức thường, chắc là có quan hệ đến chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi tu tỉnh, nghĩ đến cái lỗi làm nên thế nào?".
Cùng với đó ông khẳng định: “Nếu làm được chính sách giúp dân, thì trên thuận lòng trời, dưới đẹp ý dân, tự khắc đổi tai vạ làm điềm lành, hàng năm được mùa, mọi nhà, mọi người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp nước nhà truyền ức muôn năm từ nay trở đi được lâu dài vậy”.
Chúa Trịnh ngợi khen và phê chuẩn nhiều điều trong tờ khải của Nguyễn Duy Thì như giảm thuế khóa cho dân; cử quan lại đi các xứ xét hỏi các việc oan ức để giải oan cho dân; tha tạp dịch 3 năm cho dân phiêu dạt về quê làm ăn sinh sống…
Đến khi được cho cáo quan về quê, mặc dù tuổi cao, nhưng ông vẫn thường xuyên lên kinh thành để báo cáo và đề xuất, hiến kế sách giúp nước, cứu nguy, chăm lo bảo vệ cho nhân dân.
Khải văn và các đạo sắc phong của Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì còn lưu giữ tại đền
Ông Nguyễn Duy Mùi, hậu duệ của Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì chia sẻ: “Theo ghi chép của dòng họ, khoảng những năm 1645, khi cụ Nguyễn Duy Thì đã về quê ở, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng khi có nhân dân đến cậy nhờ cụ đều tận tình giúp đỡ.
Điển hình như việc làng Thạch Đà (Mê Linh) bị nghi oan cho là đất phản nghịch phải chu diệt cả làng, khi được người dân trong làng cầu cứu, ngay trong đêm, cụ Nguyễn Duy Thì đã tức tốc lên kinh thành Thăng Long gặp nhà Chúa để giải oan và cứu được cả làng thoát khỏi cảnh diệt vong.
Để tưởng nhớ công ơn cụ, đến nay, hằng năm vào ngày lễ, Tết, ngày giỗ của cụ, xã Thạch Đà đều cử đại diện chính quyền, người dân và các cụ cao niên trong xã đến để cúng tế và làm giỗ cho cụ”.
Ông Nguyễn Duy Dương, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Lãng cho biết: “Cụ Nguyễn Duy Thì là danh nhân kiệt xuất của quê hương, niềm tự hào không chỉ riêng của người dân địa phương mà còn chung cho người dân Vĩnh Phúc.
Với những công lao, đóng góp của mình sau khi cụ mất được Nhà nước và nhân dân cho xây dựng đền thờ tại tổ dân phố Đoàn Kết - là nơi ở của cụ khi về quê để tưởng niệm.
Đây là địa điểm tâm linh, tín ngưỡng, nơi giáo dục truyền thống hiếu học và đạo đức, nhân cách cho lớp lớp thế hệ người dân địa phương. Đền thờ đang được nhà nước đầu tư xây dựng lại khang trang hơn và dự kiến khi hoàn thành sẽ trở thành một điểm du lịch tín ngưỡng tâm linh quan trọng trong chuỗi các điểm du lịch tâm linh của Vĩnh Phúc, góp phần thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái".
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh