Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về "một thời hoa lửa” vẫn in hằn trong tâm trí của những cựu thanh niên xung phong (TNXP) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những câu chuyện về một thời chiến đấu, hy sinh oanh liệt... đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tự hào người lính Cụ Hồ
Dẫn chúng tôi lên thăm căn phòng làm việc, nơi chứa nhiều kỷ vật một thời kháng chiến, cựu TNXP Đặng Trường An ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường đưa bàn tay run run cẩn thận lau nhẹ bức ảnh chụp cùng các đồng đội của mình. Trong bức ảnh ấy có những người mất liên lạc, có người đã mãi nằm xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc; xung quanh căn phòng là những Giấy khen, Bằng khen, Huân chương Chiến công... được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn.
Cựu TNXP Đặng Trường An, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường cùng đồng đội ôn lại những ký ức hào hùng của tuổi trẻ
Trò chuyện với ông An, chúng tôi được biết, năm 1967, thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hưởng ứng khí thế sục sôi của phong trào “Ba sẵn sàng” do T.Ư Đoàn TNLĐ Việt Nam phát động, ông An cũng như nhiều chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi của huyện Vĩnh Tường hăng hái gia nhập lực lượng TNXP, tham gia phục vụ kháng chiến chống Mỹ.
Sau khi biên chế vào đơn vị, ông An được giao nhiệm vụ liên lạc kiêm văn thư C21-d6b-e2 F250-QK Việt Bắc. Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, sau hơn một tháng rưỡi ròng rã vượt núi, băng rừng, dưới làn mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù, những bữa rau rừng ăn chống đói và những cơn sốt rét rừng hành hạ, ông An cùng đồng đội đã đến được nơi đóng quân, chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng), làm nhiệm vụ đảm bảo thông suốt giao thông trên các tuyến đường trọng yếu.
Nhớ lại những ký ức hào hùng đã qua, ông An chia sẻ: “Tôi may mắn là một trong những người “lành lặn” trở về sau chiến tranh, nhưng những hồi ức thời kháng chiến vẫn luôn trong trái tim. Tôi nhớ, rạng sáng ngày 19/4/1969, khi trời chưa sáng rõ mà đại bác của quân Mỹ đã bắn phá dữ dội vào các thôn ấp ở vùng B Đại Lộc; tiếp đến là máy bay trinh sát L19, VO10 lượn lờ trên bầu trời…
Chúng bắn đạn khói trắng xuống các vị trí để chỉ điểm cho máy bay phản lực ném bom. Đất trời vùng B Đại Lộc rung lên bần bật, khói bom nghi ngút, tạo thành những đám mây đen bao phủ cả một vùng. Đến 8 giờ, một tiểu đoàn lính Mỹ vượt qua sông Vu Gia, chia thành nhiều mũi tràn vào vùng B Đại Lộc và thôn Mỹ Hảo, xã Lộc Hòa.
Quân ta triển khai phương án để quân Mỹ tiến vào rồi mới nổ súng; lúc đầu là các loại hỏa lực đồng loạt bắn trùm lên đội hình địch, sau đó bộ binh được lệnh xuất kích, bộ đội C3 tiêu diệt gần hết đại đội lính Mỹ, làm chủ chiến trường. Cùng thời điểm trên, một đại đội Mỹ khác tiến vào càn quét, lùng sục ở thôn Phú Mỹ.
Trước tình hình khẩn cấp như vậy, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Vinh bình tĩnh lệnh cho C2/K8 xuất kích đánh chặn, đập tan cuộc tiến công của địch. Tôi không thể nào quên cảm giác hồi hộp, lo âu, xen lẫn sợ hãi khi lần đầu đối mặt với quân Mỹ, nhất là khi thấy bọn chúng hùng hổ tiến vào trận địa của ta. Tay xách súng ra chiến hào mà toàn thân run lên bần bật.
Chỉ khi tiếng súng rền vang trận địa, đối mặt với kẻ địch và nhận nhiệm vụ nối đường dây điện thoại bị bom đạn băm đứt, lúc ấy mọi sợ hãi bỗng nhiên tan hết. Trận đánh ngày 19/4/1969 đã diễn ra vô cùng ác liệt, tiểu đoàn hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu ngoan cường, lập chiến công xuất sắc, tiêu diệt gần hết đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ.
Tại khu vực Dương Con, Núi Ngọc, Hố Bạch có những ngày địch tập trung máy bay, đại bác đánh phá dữ dội, bộ đội thương vong nhiều, tiểu đoàn đã phải huy động lực lượng làm nhiệm vụ khiêng cán thương binh, tử sỹ về phía sau. Hôm ấy, tôi được giao nhiệm vụ cùng mấy đồng chí trong đơn vị lên chốt Dương Con đưa 2 thương binh về trạm phẫu của Trung đoàn.
Để về được căn cứ, chúng tôi phải vượt qua những khu rừng lổm chổm hố bom, hố pháo, cây gãy ngổn ngang chắn lối, khu rừng sậy… Cùng lúc đó, đại bác của địch bắn ngăn chặn liên hồi, khói lửa mù mịt. Trời tối đen như mực, đồng chí nào cũng vấp ngã dúi dụi, chân tay xây xát nhiều chỗ; có đồng chí vấp ngã đè lên gốc sậy, bị cắm vào người khá sâu vẫn gắng chịu đau để đảm bảo đưa thương binh về trạm an toàn”.
… Những câu chuyện, kỷ niệm mà ông An kể còn rất dài, với ông nó như mới xảy ra ngày hôm qua. Những ký ức về một thời hoa lửa và nhiệt huyết của tuổi 18, đôi mươi mãi theo ông trong suốt cuộc đời.
Lưu giữ, tiếp nối ký ức hào hùng
Chia tay ông An, chúng tôi tìm đến gia đình cựu TNXP Lưu Hồng Chản ở tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Năm 1972, khi đang công tác tại Trường THCS Sơn Lôi, hưởng ứng phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, ông Chản cùng một số đồng nghiệp khoác ba lô lên đường, hăng hái ra nhập lực lượng TNXP, tham gia chống Mỹ cứu nước.
Ông Chản được phân công theo tuyến 2, thực hiện nhiệm vụ quốc tế, biên chế vào Đội 253, Tổng đội 572 đóng quân tại Thủ đô mặt trận Lào yêu nước, tỉnh Sầm Nưa với nhiệm vụ chính là hỗ trợ giáo dục.
Cựu TNXP Lưu Hồng Chản ở tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên vui vẻ với cuộc sống đời thường
Ông Chản cho biết: “Vừa học văn hóa, vừa chiến đấu, nhưng chưa bao giờ các chiến sĩ của chúng ta chùn bước. Chúng tôi thực hiện xóa mù chữ trước, dạy văn hóa sau; phải biết chữ thì mới phục vụ tốt kháng chiến. Chúng tôi học tập trong mọi hoàn cảnh, khắc phục mọi khó khăn, như lấy than làm phấn, lấy gỗ mộc, nắp xoong thay bảng đen… Những bức thư tay đầu tiên, nét chữ còn nguệch ngoạc của các chiến sĩ viết gửi cho gia đình báo bình an biết bao xúc động, mừng rơi nước mắt.
Cùng với nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục, chúng tôi còn thực hiện nhiệm vụ sản xuất phục vụ chiến đấu, làm đường, thông đường cho quân ta vận chuyển nhu yếu phẩm vào chiến trường miền Nam. Con đường 217 B nối từ cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) đến Sầm Nưa (Mặt trận Lào yêu nước) dài gần 100 km đã in dấu chân, máu và nước mắt của hàng nghìn chiến sĩ. Trong những năm tháng khó khăn ấy, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tình đồng đội được thắt chặt hơn bao giờ hết”.
Sau gần 3 năm tham gia TNXP, chiến tranh kết thúc, đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Chản trở về Trường THCS Sơn Lôi tiếp tục làm việc. Người TNXP năm nào vẫn sôi sục khí thế truyền giảng những câu chuyện truyền thống cho lớp trẻ...
Thời gian qua đi, thế hệ thanh niên một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nay đã đều ở tuổi thất thập, nhưng những ký ức hào hùng về quãng thời gian dành trọn thanh xuân cho Tổ quốc vẫn còn in sâu trong trí nhớ. Những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, tình quân - dân không thể phai mờ dù trải qua bao năm tháng. Dù gian khổ, hy sinh, dù người còn, người mất, nhưng họ không hề hối tiếc khi đã cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: Bích Huệ