Sự kỳ thị của xã hội, sự mặc cảm, tự ti của bản thân luôn là rào cản lớn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của những người đã từng lầm lỡ, trở về địa phương. Thấu hiểu những điều đó, cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an các cấp trên địa bàn huyện Tam Dương đã tích cực quan tâm, giúp đỡ những người từng lầm lỡ vượt qua tự ti, mặc cảm để vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội.
Công an xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) cùng Trưởng thôn Cổ Tích thăm hỏi, động viên người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Dương Hà
Tự tin vươn lên
Ngôi nhà khang trang nằm ven trục đường chính của thôn vừa được xây dựng là thành quả sau nhiều năm chăm chỉ lao động của vợ chồng ông Lăng Xuân Khắc, thôn Cổ Tích, xã Đồng Tĩnh. Tham quan mô hình phát triển kinh tế của gia đình, không ai nghĩ ông Khắc đã từng có quá khứ lầm lỡ.
Ông Khắc chia sẻ: "Sự bồng bột, thiếu chín chắn của thời trẻ đã khiến tôi phải trả giá bằng 19 năm tù giam. Năm 2000, tôi được ra tù trước thời hạn nhờ cải tạo tốt và được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an xã, tôi đã xóa được những mặc cảm và tự tin làm lại cuộc đời".
Thời gian đầu, ông Khắc được chi ủy, chính quyền thôn tạo điều kiện tham gia bảo vệ đồng ruộng, hoa màu và đường điện. Năm 2009, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín chấp của Ngân hàng CSXH huyện, ông Khắc đã đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi 2.000 con gà thương phẩm. Sau đó, ông đấu thầu thêm 4 mẫu ao của xã để thả cá, nuôi tôm. Có việc làm, thu nhập ổn định, ông Khắc ngày càng chú tâm làm ăn, chăm chút cho gia đình.
Thiếu tá Nguyễn Phú Khánh, Trưởng Công an xã Đồng Tĩnh cho biết: Nhằm giúp đỡ những người đã từng lầm lỡ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, Công an xã đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã phân công các đoàn thể động viên, tạo điều kiện giúp đỡ các đối tượng. Xây dựng mô hình “Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn xã”.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ mặc cảm, kỳ thị với các đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Chủ động nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh, những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của từng đối tượng để áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng những người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu trong lao động, sản xuất, kinh doanh để khuyến khích, động viên họ vươn lên trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Dương có 204 đối tượng đang trong diện quản lý, tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, đa phần là nam giới, đang trong độ tuổi lao động, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Xác định rõ ý nghĩa nhân văn của công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, Công an huyện Tam Dương đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự và tái hòa nhập cộng đồng.
Chỉ đạo công an các xã, thị trấn tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, quan tâm, động viên, tạo điều kiện giúp đỡ những người đã từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Chủ động gặp gỡ thân nhân của người chấp hành xong án phạt tù để vận động họ cùng phối hợp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Hỗ trợ các thủ tục pháp lý, hướng dẫn xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho các đối tượng khi đủ điều kiện, thời gian.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc hỗ trợ vốn vay, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn.
Năm 2022, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn. Ngân hàng CSXH huyện đã cho 5 hộ có thành viên là người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vay vốn, với tổng số tiền hơn 170 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an các cấp trong huyện, nhiều đối tượng đã từng lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn. Theo Công an huyện, trong tổng số 204 đối tượng đang trong diện quản lý, tái hòa nhập cộng đồng, đã có 192 đối tượng có việc làm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Tam Dương vẫn đang gặp phải không ít khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiện, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Tam Dương cho biết: Vẫn còn một số người chấp hành xong án phạt tù khi trở về không ra trình diện với chính quyền địa phương. Sự phối hơp giữa các ngành, đoàn thể và UBND các cấp trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù chưa được chặt chẽ.
Công tác tư vấn, tìm kiếm việc làm, hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng đã từng lầm lỡ còn hạn chế. Qua khảo sát cho thấy, số lượng người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện cần trợ giúp việc làm, vốn vay để ổn định cuộc sống rất nhiều, nhưng sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương, cũng như các doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Công tác tái hòa nhập cộng đồng không chỉ có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tái phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở, mà còn thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với những người có quá khứ lầm lỡ.
Để công tác này đạt hiệu quả cao, Công an huyện Tam Dương mong muốn các cấp, ngành, chính quyền địa phương tích cực hơn nữa trong việc động viên, hỗ trợ cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù, nhất là hỗ trợ về nguồn vốn vay để họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bởi, chỉ khi có cuộc sống ổn định thì họ mới không bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo tái vi phạm pháp luật.
Thanh Huyền