“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Hồ Chí Minh
Năm 1949 là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới - giai đoạn tổng phản công sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947. Để động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận tư tưởng, văn hóa, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm: Cần, Kiệm, Liêm, Chính với bút danh Lê Quyết Thắng in trên Báo Cứu Quốc số ra từ ngày 30/5/1949 đến 2/6/1949.
Mở đầu tác phẩm, Người viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.
Ngược dòng thời gian, ngày 20/3/1947, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đời sống mới” do Ủy ban Trung ương vận động đời sống mới xuất bản, lần đầu tiên Người dùng từ Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người viết: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”… Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh giảng giải sơ bộ về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến sự liêm, chính. Người viết: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt thì mất tất cả. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ LIÊM làm đầu”. Và “Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức… việc gì cũng phải công bình, chính trực, không vì tư ân, tư huệ, tư thù, tư oán”. Khi viết tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích cặn kẽ ý nghĩa, nội hàm của mỗi đức của một con người, mà theo Bác “một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn”.
Về đức Cần, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai… Siêng học tập thì mau biết, siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến, siêng làm thì nhất định thành công… Người siêng thì mau tiến bộ, cả nhà siêng thì chắc ấm no, cả làng siêng thì làng phồn thịnh, cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu…”.
Ngoài siêng năng, chuyên cần để làm việc tốt, Người cho rằng, cần phải gắn với hành động có kế hoạch, biết xếp đặt công việc cho hợp lý, khoa học; kế hoạch phải có 2 điều chú ý: Phân loại công việc và chọn người. Đó là biện pháp tổ chức. Người còn yêu cầu: Siêng năng, chăm chỉ làm việc, nhưng phải bền bỉ, dẻo dai, kiên nhẫn, không thể nóng vội.
Như vậy, Cần đối nghịch với sự lười biếng. Bác không bao giờ chấp nhận một cán bộ, đảng viên lại lười biếng trong tu dưỡng, rèn luyện, học tập và công tác.
Rõ ràng, Cần theo quan điểm Hồ Chí Minh là đòi hỏi một con người phải lao động tự giác, bền bỉ, có trí tuệ, trách nhiệm và hiệu quả cao. Đó là tiêu chí trong đức Cần của Hồ Chí Minh.
Cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác là tấm gương cao đẹp nhất về Cần. Từ tuổi thanh niên ra đi tìm đường cứu nước, đến khi về cõi vĩnh hằng, Bác như dồn tất cả sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Bác không nản chí, chùn bước trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào, kể cả về vật chất, tinh thần. Những năm tháng lao động chân tay ở Pháp để mưu sinh và hoạt động cách mạng; đến những ngày tháng tù đày ở Trung Quốc; sống và làm việc ở hang Pác Bó và đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bác đã thể hiện một nghị lực phi thường. Bác làm việc không biết mệt mỏi, Bác “lo cho tất cả, chỉ quên mình”.
Trong di chúc, Bác để lại những dòng thật cảm động: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này; Tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Suốt đời làm việc mà Bác vẫn cảm thấy chưa đủ.
Về Kiệm, theo Bác tức là tiết kiệm. Tiết kiệm nghĩa là không phung phí thời giờ, công sức và tiền bạc. Kiệm phải đi đôi với Cần, coi như 2 chân của con người. Bác quan niệm Cần mà không Kiệm như “làm chừng nào, xào từng ấy”, giống như cái thùng không đáy vậy. Nhưng Kiệm mà không Cần thì của cải không thể tăng thêm, cái để dành lâu ngày cũng cạn kiệt. Cần và Kiệm như vậy lại không có nghĩa là “bủn xỉn”. Bác viết: “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là Kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là Kiệm”. Đã là Kiệm thì không được xa xỉ. Theo Bác, việc làm trong 1 giờ mà kéo dài 2, 3 giờ là xa xỉ; ăn sang, mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo là xa xỉ và ăn không ngồi rồi là xa xỉ. Nhưng muốn không xa xỉ, muốn tiết kiệm thật sự thì cần phải có kế hoạch, có “đầu óc tổ chức”. Nghĩa là biết tính toán sao cho hợp lý, hợp tình, tính toán một cách khoa học. Bác là tấm gương mẫu mực về Kiệm. Từ ăn, mặc, ở, đi lại, nói chuyện trước đồng bào, trong các hội nghị, viết báo, Bác đều tiết kiệm đến từng chi tiết nhỏ. Bác ăn, mặc, ở như một lão nông một vùng quê nào đó, không có gì là khác lạ như bao lãnh tụ khác.
Khi làm việc ở cơ quan, hay đi thăm các địa phương, dự các hội nghị, thậm chí tiếp khách nước ngoài và cả khi đi nước ngoài, Bác vẫn giản dị trong những bộ quần áo Kaki may theo kiểu Tôn Trung Sơn hoặc bộ quần áo lụa màu gụ. Nói với đồng bào, hoặc phát biểu trong các hội nghị, Bác đều nói ngắn gọn, dễ hiểu, Bác viết báo vừa ngắn, vừa thiết thực, không hoa mỹ. Có những bài báo Bác viết như bài hướng dẫn mọi người cách làm một việc nào đó, vừa mộc mạc, chân thành, vừa hiệu quả.
Trước lúc đi xa về cõi vĩnh hằng, trong di chúc, Bác còn yêu cầu Đảng và nhân dân ta “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Bác của chúng ta là như thế đó; nhà thơ Tố Hữu đã khái quát cuộc đời cách mạng của Bác là “thanh bạch chẳng vàng son”.
Về Liêm, nghĩa là trong sạch, không tham lam.
Theo Bác, tham tiền của, địa vị, danh tiếng, cậy quyền thế để tham nhũng, trục lợi cho bản thân là bất liêm. Bác cho rằng: “Trước nhất, là cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm, là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””; và “Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”.
Cả cuộc đời Bác vì dân, vì nước, Bác luôn nghĩ đến đời sống hạnh phúc của nhân dân, do đó, Bác rất quan tâm đến đức tính liêm khiết của cán bộ, đảng viên. Tháng 10/1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết: “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài…”.
Vì vậy, Bác yêu cầu: “Cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân” và “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở đơn vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Trong kháng chiến chống Pháp, đã có vụ Trần Dụ Châu, đảm nhiệm trọng trách cao trong quân đội, nhưng vì không liêm, đã bị xử lý nặng nhất, đó là án tử hình. Bác đau khổ và thương người chiến sĩ ấy, nhưng Bác kiên quyết yêu cầu cơ quan pháp luật phải trừng trị thích đáng để làm gương cho kẻ khác.
Về Chính, nghĩa là không tà, là ngay thẳng, đứng đắn, chính trực. Theo Bác, Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính; vì siêng năng (Cần), tằn tiện (Kiệm), trong sạch (Liêm) và Chính là thiện. Bác phân biệt trong xã hội có 2 loại người: Thiện và ác. Người thiện làm việc chính, người ác làm việc tà. Bởi vậy, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt: Mình đối với mình; Mình đối với người; Mình đối với công việc.
Đối với mình, Bác khuyên: “Chớ tự kiêu, tự đại”, vì còn nhiều người hay hơn mình, còn nhiều người giỏi hơn mình; đồng thời phải luôn tự kiểm điểm mình, chịu sự kiểm soát và phê bình của mọi người, luôn luôn rèn luyện để tiến bộ. Bác viết: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính; Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”.
Đối với người, Bác yêu cầu: “Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới” và “Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết. Phải học người khác và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”.
Còn đối với việc, mọi người “phải để công việc nước lên trên việc tư, việc nhà”. Và ai làm việc gì, dù to hay nhỏ, khó khăn hay thuận lợi, đều phải cố gắng, kiên quyết hoàn thành, đặc biệt là: Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.
Đức Chính theo Bác là như vậy.
Cần, Kiệm, Liêm, Chính là “Tứ đức” trong đạo đức Hồ Chí Minh, nó thống nhất trong mối quan hệ biện chứng. Đối với một người không thể thiếu một trong bốn đức ấy. Cần, Kiệm, Liêm, Chính nói dễ hiểu, dễ thuộc lòng và cũng dễ giảng giải cho người khác nghe. Đó cũng là nội dung cơ bản, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về hệ giá trị con người Việt Nam.
Đỗ Việt Trì