Hiện nay, Bảo tàng tỉnh có hơn 2000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh trưng bày trên diện tích 700m2, hệ thống trưng bày gồm có 3 phòng chính giới thiệu vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và các di vật lịch sử tiêu biểu minh chứng cho sự có mặt của người Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc từ thời đại đồ đá cũ (văn hoá Sơn Vi) đến thời đại kim khí (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn); trong đó Đồng Đậu là một di tích tiêu biểu nhất; bên cạnh đó có thêm phần trưng bày về hệ thống động - thực vật quý hiếm của vườn Quốc gia Tam Đảo; trưng bày về đời sống văn hoá của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc (chủ yếu là 4 dân tộc Kinh, Sán Dìu, Cao Lan, Dao) thông qua các sưu tập y phục, trang sức, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đồ dùng sinh hoạt, đời sống canh tác của 3 vùng đồng bằng, đồi núi, trung du và một số lễ hội tiêu biểu mang đậm sắc thái văn hoá địa phương; giới thiệu truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Vĩnh Phúc từ đầu công nguyên đến năm 1930. Bảo tàng thường xuyên mở cửa trưng bày vào các ngày trong tuần. Ngoài hệ thống trưng bày thường trực, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với một số bảo tàng ở Trung uơng, bảo tàng các địa phương, các đơn vị trong tỉnh tổ nhiều các cuộc trưng bày chuyên đề, các cuộc triển lãm nhân tiêu biểu như: “Những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Vĩnh Phúc”, “Tây Thiên trong lịch sử”, “Tam Đảo xưa và nay”... góp phần giới thiệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống, sắc thái văn hoá địa phương, đưa các hoạt động văn hoá hướng về cơ sở. Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng đã đón và phục vụ 15 nghìn khách tham quan, bao gồm cả khách trong nước và các du khách nước ngoài như Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức… Đối với khách tham quan trong tỉnh, Bảo tàng là nơi tham quan học tập nghiên cứu nâng cao sự hiểu biết về truyền thống lịch sử, vùng đất, con người Vĩnh Phúc; đặc biệt là các đồng chí lão thành cách mạng, học sinh sinh viên. Đối với các em học sinh, học tập ngoại khóa bằng việc tham quan bảo tàng nhằm bổ trợ cho các em về môn lịch sử như trường THCS Minh Quang (Tam Đảo), THPT Trần Phú (Vĩnh Yên), Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc... Ông Mai Văn Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hoạt động trưng bày giúp nhân dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là các em học sinh sinh viên tiếp cận với những di tích, hiện vật xưa một cách thực tiễn, gần gũi nhất chứ không phải chỉ trên lý thuyết, sách vở. Đồng thời những di vật còn lại qua các thời kỳ giúp các em hiểu rõ hơn nữa về quá trình sinh trưởng, phát triển và đấu tranh của nhân dân Vĩnh Phúc. Điều đó mang lại lợi ích lớn cho các môn học lịch sử của học sinh sinh viên, nhằm giúp giới trẻ gần gũi và có cái nhìn tổng quan nhất về lịch sử tỉnh nhà, nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay Bảo tàng tỉnh vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn, chưa thực sự thu hút được khách tham quan, có nhiều hình thức giải trí khác hấp dẫn hơn, chương trình giáo dục trong nhà trường không bắt buộc cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu nên mong muốn có sự kết hợp giữa bảo tàng và nhà trường nhằm đẩy mạnh tính giáo dục hơn nữa. Diệu Linh |