Học sinh trốn tiết, la cà quán xá để tụ tập chơi bời... là những hình ảnh không khó để bắt gặp tại một số quán nước nằm gần cổng các trường THCS, THPT. Điều này tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường. Thực tế trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý con em trong các gia đình, nhà trường hiện nay.
Nhiều quán nước xung quanh các cổng trường học trở thành điểm "hẹn hò", thể hiện tình cảm của không ít các em học sinh
Nhiều người đã phải thốt lên rằng: "Các bậc phụ huynh dù có bận rộn đến mấy cũng nên vài lần đột xuất tới cổng trường học để xem con mình như thế nào?". Lời nói đó thực sự có cơ sở. Có mặt tại một số quán nước giải khát gần khu vực các trường học THCS, THPT trên địa bàn phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên không khó để bắt gặp nhiều tốp học sinh trốn tiết, bỏ học tụ tập thành từng nhóm.
Nếu vô tình ngồi gần, nhiều người hẳn phải rất xấu hổ, đỏ mặt vì trong câu chuyện của các em đủ thứ chuyện từ giang hồ, đánh chửi nhau, đến cả chuyện “người lớn” cũng được đem ra bàn luận cho thêm phần rôm rả.
Các em giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ suồng sã, chợ búa, thi thoảng cả nhóm lại cười phá lên khi chứng kiến bạn của mình "giật" đùng đùng, đung đưa theo làn khói trắng của khói thuốc lào. Đương nhiên các em nữ cũng không kém cạnh, thậm chí ngay giữa thanh niên bạch nhật, đông người, nhiều cặp đôi công khai bày tỏ tình cảm mà không cảm thấy ngượng ngùng.
Đến hơn 11h30, quán nước gần như vắng khách, trên vỉa hè vẫn còn sót lại 3-4 chiếc xe máy với đủ loại hình thù, màu sắc xếp hàng ngay ngắn (tháo yếm, dán đề can, chế bô…). Hỏi ra mới biết, nhiều cháu chưa đủ tuổi đi xe máy, trước giờ vào lớp đem gửi nhờ các quán nước, hết giờ lại đến lấy với giá 5-10 nghìn đồng/ngày.
Cũng từ các nhóm học sinh này, phóng viên được nghe không ít câu chuyện đi dối cha, về dối mẹ, ở lớp dối thầy cô. Đó là việc tỏ ra chăm chỉ, đi học sớm hơn so với chúng bạn, với giờ quy định của nhà trường, đơn giản để có thêm thời gian tranh thủ hàn huyên, hút điếu thuốc trước khi vào lớp.
Hôm nào cô giáo bận việc đột xuất, cả lớp được nghỉ sớm hơn thì lại kéo nhau ra quán game làm vài trận tỉ thí đế chế, bắn súng… bên nào thua thì phải trả tiền máy. Đã là tỉ thí thì không bao giờ chấp nhận hòa, cứ như vậy cuộc ganh đua không bao giờ có hồi kết. Hôm nay không giải quyết được thì ngày mai lại đấu tiếp...
Vậy thì tiền ở đâu mà ra, có em thì lấy tiền từ việc nhịn ăn sáng, hay ra Tết tiền mừng tuổi vẫn còn rủng rỉnh. Thậm chí, hóng hớt nghe người lớn nói chuyện hôm nay mơ gặp số đẹp cũng thủ thỉ, rỉ tai nhau, góp tiền ghi 1,2 điểm lô, không ngờ tối trúng thật. Đang dây đỏ, hôm sau lại đánh tiếp, ngày hôm sau nhiều hơn hôm trước. Cứ thế máu đỏ đen ngấm vào người lúc nào không biết…
Thời gian gần đây, trên các phương tiện báo chí, truyền thông thường xuyên đăng tải tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, thậm chí cả phạm tội. Trong số đó có không ít các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Đơn cử là tình trạng lạng lách, đánh võng vẫn thường xảy ra trên những cung đường đèo lên núi Tam Đảo. Mặc dù, các cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn, tổ chức lực lượng theo dõi, vây bắt, song sự việc chỉ có dấu hiệu thuyên giảm chứ chưa chấm dứt hoàn toàn.
Gần đây nhất nổi lên hiện tượng các cháu từ 15-17 tuổi, tụ tập thành từng nhóm, cầm theo đinh ba, dao quắm, dao phóng lợn điều khiển xe đi dọc các tuyến đường để xem có nhóm thanh niên nào từ địa phương khác thì đuổi đánh, không cho đi qua địa bàn của mình… Hậu quả làm nhiều người bị thương, thậm chí tử vong.
Các cụ ngày xưa có câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhìn lại các vụ việc kể trên, trước khi vi phạm pháp luật, các em đều có một tuổi thơ đẹp đẽ, hồn nhiên, trong sáng. Song bản tính tuổi trẻ thường bồng bột, tò mò, thích khám phá, thích tự lập, tuy nhiên, các em lại không nhận được sự quan tâm, dạy dỗ, uốn nắn thường xuyên nên không phân biệt đúng sai, tốt xấu, rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Xâu chuỗi tất cả vấn đề trên, tựu chung lại có một nguyên nhân sâu xa, đó là các gia đình buông lỏng quản lý con em mình, rộng ra là nhà trường và xã hội. Song, với vai trò “tế bào của xã hội” thì bố mẹ vẫn là những người phải chịu trách nhiệm chính. Đừng để “cái sảy nảy cái ung”, đến lúc đó có hối hận cũng đã muộn màng.
Bài, ảnh: Hà Phương