Dù gặp không ít khó khăn bủa vây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả cao về chỉ số phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, qua đó cho thấy tỉnh hoàn toàn có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức những mục tiêu quan trọng đề ra trong năm 2022.
Sản xuất những sản phẩm công nghệ cao là ưu tiên trong thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc nhằm hướng tới phát triển bền vững
Cụ thể, tính đến hết tháng 9, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ và đạt gần 80% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng gần 1% và tăng 7,47% so với cùng kỳ năm trước. So với dự toán giao đầu năm, tính đến nay, các khoản thu về nhà, đất là nguồn thu vượt mức dự toán lớn nhất (gần 3.000 tỷ đồng), vượt gần 65%.
Công tác quản lý chi ngân sách đã được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện công khai quyết toán ngân sách năm 2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đúng quy định.
Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,7% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ cho vay đến 30/9 ước đạt 114.500 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cuối năm 2021.
Trong 9 tháng đầu năm, cấp tỉnh đã thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 30 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư 26 dự án (trong đó có 1 dự án trọng điểm) và phê duyệt 48 dự án đầu tư (trong đó có 2 dự án trọng điểm).
Cấp huyện, xã đã thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 231 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư 210 dự án và phê duyệt 191 dự án đầu tư do cấp huyện, xã quản lý.
Toàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án DDI (14 dự án cấp mới, 7 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 11%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 51 dự án (21 dự án cấp mới, 30 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt gần 300 triệu USD, bằng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đến gần 16% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn nhanh chóng phục hồi trở lại như trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Dịch vụ du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng số lượt khách tham quan du lịch ước tính đạt gần 7 triệu lượt khách, tăng 300% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82% kế hoạch năm đề ra. Tổng doanh thu du lịch 9 tháng đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 14.000 người (đạt 85% kế hoạch). Chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công được đảm bảo. Các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi các hoạt động văn hóa, xã hội.
Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh nêu cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng an ninh.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp để kịp thời giải quyết; làm tốt công tác nắm tình hình.
Nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số.
Tăng cường triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Giai đoạn tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm duy trì hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, từ nay đến cuối năm, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tăng cường đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai hiệu quả công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực cụ thể, để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2022, trong đó chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Đồng thời tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…
Bài, ảnh: Long Dương