Đối với mỗi chúng ta, cổng làng là hình ảnh vô cùng thiêng liêng và rất đỗi thân thương, gần gũi. Bởi, cổng làng gắn với những miền quê, nơi ta sinh ra, khiến ai đi xa cũng nhớ. Trải qua bao năm tháng, cổng làng vẫn chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của quê hương, thể hiện hồn quê, cốt cách của mỗi vùng miền.
Trải qua năm tháng, cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới của làng, mà đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê. (Trong ảnh: Cổng làng Vinh Thịnh, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên). Trà Hương
Nằm giữa phố thị ồn ào, cổng làng Vinh Thịnh, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) vẫn giữ được nét trầm mặc, cổ kính của ngôi làng mang nhiều giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng.
Cổng làng có mái uốn vòm cong, bốn góc chạm trổ đầu rồng, chim phượng như đang vươn mình bay lên. Chính giữa là dòng chữ đỏ “Làng văn hóa Vinh Thịnh”, đôi câu đối 2 bên trụ cổng thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của dân làng.
Trong cách mạng, làng Vinh Thịnh là căn cứ trọng điểm của kháng chiến. Theo sử sách ghi lại, từ khi thành lập đến nay, làng Vinh Thịnh có 1 giáo sư, 3 phó giáo sư, 8 tiến sĩ và hàng trăm thạc sĩ, trong đó, có 2 tiến sĩ được vinh danh, ghi tên tại Văn Miếu Quốc tử Giám, thành phố Hà Nội.
Phát huy truyền thống hiếu học, con em làng Vinh Thịnh ngày nay vẫn thi đua học hành, nhiều người đã có những vị trí quan trọng trong xã hội. Ông Trần Chí Viễn, người có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng Vinh Thịnh cho biết:
Cổng làng văn hóa Vinh Thịnh được tôn tạo, xây dựng lại từ năm 2005, theo thiết kế cổng làng cổ truyền thống. Tại mỗi trụ cổng đều được ghi các câu đối mang ý nghĩa giáo dục, răn dạy con cháu như: “Phát huy truyền thống văn minh địa/Bảo trọng tinh hoa thuận ý thiên”.
Những điều răn dạy nhân văn ấy đã tác động, hình thành đạo đức, nhân cách, hun đúc ý chí phấn đấu cho biết bao người con Vinh Thịnh nỗ lực phấn đấu, trưởng thành, xây dựng quê hương, đất nước.
Xuôi về huyện Yên Lạc, về làng Vĩnh Đông (thị trấn Yên Lạc) - ngôi làng giàu truyền thống văn hóa. Cổng làng Vĩnh Đông uy nghi như dang rộng cánh tay đón người con quê hương và khách thập phương đến tham quan.
Cổng làng Vĩnh Đông là công trình văn hóa mang lối kiến trúc độc đáo vừa hiện đại vừa cổ kính, gồm một cổng chính và hai cổng phụ, bên trên là thượng lâu 4 mái với lưỡng long chầu nguyệt, long ly quy phượng nhằm thể hiện mong ước về một cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân nơi đây.
Làng Vĩnh Đông nói riêng và thị trấn Yên Lạc nói chung là vùng địa linh, nhân kiệt, có nhiều di tích, huyền tích mang dấu ấn của thời kỳ đầu dựng nước, giữ nước.
Ông Lê Đức Phẳng, Trưởng Ban di tích làng Vĩnh Đông cho biết: Cổng làng Vĩnh Đông nằm trong chuỗi di tích lịch sử văn hóa Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, chùa Biện Sơn và Đền Gia Loan có niên đại từ hàng ngàn năm trước, đều là di tích văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Vĩnh Đông còn là vùng đất học, với rất nhiều tiến sĩ được vinh danh tại Quốc Tử Giám. Phát huy truyền thống hiếu học ấy, ngày nay, 15 dòng họ của làng đều thành lập Quỹ khuyến học, khuyến tài.
Vĩnh Đông nằm ngay cửa ngõ của thị trấn Yên Lạc - trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của huyện Yên Lạc, có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa với các địa phương khác.
Người dân Vĩnh Đông không ngừng bảo tồn, gìn giữ và phát triển truyền thống của địa phương, năng động, cần cù, chắt chiu phát triển nghề mộc truyền thống. Sản phẩm gỗ Vĩnh Đông đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.
Cụ Nguyễn Hồng Muôn, một cao niên trong làng cho biết: "Từ khi sinh ra, tôi đã thấy có cổng làng, khi ấy còn gọi là cổng voi. Nhưng theo năm tháng, cổng làng đã có phần xuống cấp, nên người dân trong làng đã đóng góp tiền của, ngày công xây lại cổng mới. Tuy nhiên, cổng làng nay vẫn giữ được những nét cổ kính, mang đậm văn hóa, truyền thống của người Vĩnh Đông".
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình thì cổng làng là hình ảnh không thể thiếu tại nhiều làng quê Việt Nam. Bởi vậy, mỗi cổng làng đều có kiến trúc riêng, mang đậm nét văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng của dân tộc.
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, cổng làng không chỉ là giới hạn địa lý mà còn trở thành biểu tượng văn hóa của mỗi làng quê, thể hiện cốt cách, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi ấy.
Trong sâu thẳm nỗi nhớ của những người con từng sinh ra từ làng, cổng làng là hình ảnh thiêng liêng nhưng rất đỗi gần gũi. Những người con xa xứ, mỗi khi về làng, nhìn thấy cổng làng là thấy bình yên. Bước qua cổng làng là đã trở về nhà.
Còn đối với khách thập phương, cổng làng là dấu mốc quan trọng để phân biệt ranh giới địa lý, dù mọi thứ thay đổi, cổng làng vẫn đứng đó, uy nghiêm, bao dung, dang rộng vòng tay chào đón. Bởi thế, cổng làng luôn có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân vùng quê.
Ngày nay, trải qua biến đổi của thời gian, những chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính đã xuống cấp, không còn phù hợp và dần được thay thế bởi những cổng làng mang kiến trúc hiện đại. Điều đó, khiến không ít người hoài niệm về những cổng làng cổ.
Tuy nhiên, dù mang trên mình màu áo mới, đẹp hơn, bề thế hơn nhưng cổng làng vẫn mang những giá trị văn hóa sâu sắc, như một báu vật của làng quê. Và mỗi chúng ta đều cần gìn giữ những báu vật ấy, không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Kim Ngân