Giữa trưa, cả bản chỉ có một nhà nổi lửa. 2 cán bộ khuyến nông thở vắn than dài và những người tiểu thương đang dọn gánh hàng xén sau ròng rã 2 ngày không bán nổi một xu tiền hàng. Đấy là phác thảo về Huổi Van - một bản người Mảng ở xã Nậm Hàng, Mường Tè, Lai Châu - vào một ngày tháng 9.2012. Người Mảng - hay Mảng Ư - là một trong số các tộc người được coi là “Xá lá vàng”. “Khạ” hay “Xá” là một tộc danh mang tính miệt thị. Còn “lá vàng” là chỉ tính du canh nặng về săn bắn hái lượm. Người Mảng khi dừng chân thì làm lán lá để ở, mỗi độ lá trên lều úa vàng lại rời đi chỗ khác. Dù người Mảng - Huổi Van đã dựng nhà gỗ để ăn ở lâu dài, nhưng nếp “ăn nương” thì vẫn không hề thay đổi. Trong cuốn sổ tay nhàu nhĩ của Trưởng bản Pàn Văn Ten chỉ 3 trang có chữ, mỗi trang ghi độ ba chục từ và một trong số đó là “ngày 14.8, đã nhắc nhở 3 người không đốt rừng làm nương”. Theo dấu chân hoẵng Ten 44 tuổi - trưởng thôn - chỉ tới i tờ nhưng được xem là học vấn cao nhất bản. Ông không nói, nhớ được nhiều, hỏi gì thì giở sổ. Những con số ở trang đầu tiên cho thấy bản của ông có 51 hộ, 260 nhân khẩu, 100% nghèo, cứ 10 người thì chỉ 2 người biết chữ. Đấy là những số liệu đã được cán bộ giúp ông ghi sẵn ra, cho khỏi quên. Hôm chúng tôi đến, 2 cán bộ khuyến nông là Lò Văn Vinh và Đường Văn Điêm vượt núi băng rừng vào cắm bản ở Huổi Van đã sang tháng thứ ba. Vinh mô tả kỹ thuật canh tác của đồng bào chỉ bằng mấy chữ: “Chọc lỗ bỏ hạt” và “thả rông”. Trong truyền thuyết của người Mảng, cha ông họ không có dụng cụ để chọc lỗ trỉa hạt. Một hôm, người bản dậy sớm lên nương thì thấy dấu chân của con hoẵng để lại trên đất. Người Mảng tra hạt vào đấy làm chỗ cho cây lúa nảy mầm. Rồi hằng năm, cứ thế phiêu dạt khắp rừng xanh núi đỏ theo dấu chân con hoẵng mà gieo hạt. Đến thế kỷ thứ 21, những con hoẵng đã không còn để lại dấu chân, dẫn đường cho người Mảng tra hạt, du canh nữa, nhưng nếp “ăn nương” với cây gậy chọc lỗ thì vẫn y nguyên như cả ngàn năm trước. Anh Điêm - cán bộ khuyến nông 22 tuổi - bảo rằng: “Cái khó nhất của người làm khuyến nông chính là thay đổi tư duy chọc trỉa đã tồn tại cả ngàn đời nay trong phương thức sống của đồng bào”. Chuyện chọc lỗ trỉa hạt, thả rông gia súc, tức là cái ăn trông cả vào nắng mưa của ông trời khiến cây lúa năm trổ năm lép, củ sắn chỉ bằng cẳng tay đứa trẻ sơ sinh, con heo con gà cả năm có khi chỉ tăng vài lạng. Và khiến cho con ma lớn nhất trong nhà người Mảng chính là “con ma đói”. Bấy giờ đã giữa trưa, cả bản chỉ duy nhất một nhà “lên khói”. Trưởng bản Ten “bàn lý” rằng: “Phụ nữ đi rừng hết rồi, (người) ở nhà thì không ăn”. Trong nhà Ten bấy giờ bếp nguội tàn than, duy nhất một cái nồi trong còn ít sắn đồ với gạo, độ 7 phần sắn, 3 phần cơm. Mỗi độ giáp hạt hoặc khi trời trái gió, người Mảng - Huổi Van hầu như chỉ ăn lá sắn non đồ muối, hoặc sang hơn, thì măng rừng, thứ măng ủ trong những chiếc vò cao lưu cữu đã lên mùi chua loét. Măng, sắn và cua suối, tất cả đều từ rừng, là thứ đồ ăn “kinh điển” vừa thường nhật vừa cứu đói của người Mảng - Huổi Van. Và bọn trẻ con tất nhiên không phải là ngoại lệ. “Vì sao không hướng dẫn bà con làm chuồng, làm vườn”- tôi hỏi. Người cán bộ khuyến nông gãi đầu gãi tai kêu khó. Cái khó là ở chỗ cũng từ ngàn năm nay, người Mảng không có khái niệm vườn tược. Thứ cây trồng duy nhất của họ là những cây gừng. 3 củ rừng trên rẫy, 4 củ gừng ở mả, và gừng, cùng với ớt - là thứ gia vị duy nhất trong những bữa ăn. Nhà đói nhất bản là nhà Phường Văn Lỏm. Lỏm năm nay 38 tuổi nhưng đã có đến 9 con. Đói đến mức 7 nhân lực của cả nhà bất kể nắng mưa ngày nào cũng vào rừng, đến nỗi con Lỏm suốt ngày tha thẩn quanh bản, nhặt bất cứ gì có thể bỏ miệng và đi hóng hàng xóm mỗi độ lên khói. Ngôi nhà duy nhất lên khói - cũng được coi là nhà giàu nhất bản - là một căn chòi nứa lá vọc vạch, rộng chừng 2 chiếc chiếu. Không hiểu là 7 nhân khẩu thuộc 3 thế hệ không chiếu, không giường, buổi tối sẽ nằm thế nào để ngủ. Cô bé chủ nhà nổi lửa hóa ra chỉ để nướng mấy con cua bắt được ngoài suối. Cái sự “giàu” là ở chỗ trong nhà có kệ để đồ, trên đó xếp 3-4 gói kẹo màu và trên tường có treo một chiếc gương. Không bỏ chữ Trường học ở Huổi Van, một căn nhà 3 gian bằng gỗ, được Nhà nước đầu tư xây dựng. Nhưng dường như vấn đề giáo dục vùng cao không thể, không bao giờ phụ thuộc vào sự khang trang của ngôi trường. Là bởi cái đói không tha một ai, dù đó là những đứa trẻ. Nhớ lại năm 2009, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc - Bộ GDĐT - ông Mông Ký Slay - đã rất say sưa khi nói về “Đề án phát triển giáo dục cho các dân tộc rất ít người”. Nào là 100% trẻ em các dân tộc rất ít người trong độ tuổi 3 - 5 được hỗ trợ tiền ăn, quần áo, được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trường mầm non; 100% học sinh cấp tiểu học được học tại các trường bán trú, được hỗ trợ học bổng, quần áo... và bữa cơm trưa. Trong 9 dân tộc đối tượng của đề án, có người Mảng. Khi chúng tôi hỏi chuyện này, các cô giáo tỏ ra ngạc nhiên. Ở Huổi Van, cơm - chứ chưa nói đến thịt - vẫn là thứ gì đó giống như ước mơ vậy. Người Mảng xưa nay ông trời cho gì ăn nấy, không có thì nhịn. Bàn chuyện góp gạo nuôi học sinh với những bậc phụ huynh dạ dày luôn sôi lên những tưởng cũng giống với sự vô tâm vậy. Căn bếp - không ngạc nhiên - chỉ là duy nhất một nền đất. Mặc dù Nhà nước đã làm con đường nhỏ chạy vào Huổi Van, nhưng không mấy khi có người lạ vào bản. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho lũ trẻ ở đây cực kỳ nhút nhát. Đến nỗi có khi cả buổi chúng không nói - thậm chí với nhau - được một lời. Và ở sâu trong những ánh mắt trong veo là rành rành sự hoang dại. Những cô giáo cắm bản trải chiếu ngủ ngay tại lớp, sáng sáng vượt suối đi từng nhà gọi học trò đến lớp. Con chữ ở Huổi Van bao giờ cũng bắt đầu bằng việc hằng tháng cô trò “làm quen”, để rồi sau một mùa hè lại bắt đầu làm quen lại. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1672/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”. Theo đó, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc nơi đây phát triển, giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần..., thì nhiệm vụ được nhấn mạnh là “hỗ trợ hộ nghèo lương thực ăn khi thiếu đói, mắc điện sinh hoạt, làm nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ về giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; hỗ trợ khai hoang, xây dựng ruộng bậc thang sản xuất lúa nước...”. Tổng kinh phí của đề án là hơn 1 ngàn tỉ đồng. Suy cho cùng, giảm nghèo, đáng lẽ phải bắt đầu bằng việc xóa đói. Người Mảng tất nhiên chẳng quan tâm đến các con số, chẳng biết đất nước mình xuất khẩu gạo vào hàng nhất nhì thế giới, cũng như việc họ đặt mình “ngoại lệ” với cái chữ. Khi đói, người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn, ngay cả trong những cơn mơ. Đến khi chia tay, chúng tôi không ai có thể cầm lòng trước lời hứa của cô giáo cắm bản: “Đói thì chúng em bó tay chứ con chữ thì nhất quyết đem bằng được đến với đồng bào”. Sự nghiệp khai trí ở Huổi Van, ở miền núi, ở vùng sâu vùng xa vì thế bắt đầu bằng việc cô trò cùng nhau đánh vật với cái đói, bằng việc xóa đi sự hoang dại trong ánh mắt những đứa trẻ, rồi mới đến việc dạy con số, con chữ. (Theo Lao động) |