Thực tế đã cho thấy nhiều phiên tòa xét xử các vụ án hình sự tại trụ sở TAND thường chỉ có số lượng người hạn chế. Trái lại, 100% những phiên XXLĐ thì nhiều người không thể chen vào hội trường xét xử đã cho thấy “sức hút” của các phiên XXLĐ trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian gần đây việc tuyên truyền giáo dục pháp luật (TTGDPL) đến người dân thông qua hoạt động XXLĐ đã đạt được hiệu quả rất cao và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nói XXLĐ mang lại hiệu quả tuyên truyền cao bởi nó là sự tổng hợp của các hình thức tuyên truyền qua hình ảnh trực tiếp (quang cảnh uy nghiêm của phiên xử, sự rõ ràng rành mạch của mỗi vụ án, các bước của trình tự thủ tục tố tụng…), tuyên truyền qua lời nói trực tiếp (việc xét hỏi của người tiến hành tố tụng, trình bày của người tham gia tố tụng, tranh luận của vị công tố và luật sự để tìm ra sự thật khách quan của vụ án…), tuyên truyền qua các văn bản tố tụng (công bố cáo trạng của viện kiểm sát, công bố các chứng cứ có tại hồ sơ, lập luận sắc bén và phán quyết nghiêm minh nhưng thấu tình đạt lý của bán án được tuyên…). Được biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, ngành Tòa án tỉnh đã thụ lý 1.966 vụ án các loại, giải quyết 1.474 vụ, trong đó đã tổ chức XXLĐ được 49 vụ án hình sự, so với cùng kỳ tăng 21 vụ (là tỉnh đạt tỷ lệ khá cao về các vụ được XXLĐ so với nhiều địa phương khác). Điển hình các đơn vị có số lượng án xét xử cao như: Tòa án nhân dân các huyện: Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Sông Lô... Hầu hết các vụ án đều được tòa án đưa về xét xử tại những nơi bị cáo cư trú hay làm việc nên đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi người. Để tổ chức tốt và hiệu quả mỗi vụ XXLĐ, ngành tòa án đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương từ khâu bố trí sân bãi, hội trường, loa đài, âm thanh đến lực lượng vũ trang địa phương trong việc giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự phiên xét xử. Bên cạnh đó, mỗi phiên XXLD đều được thông báo công khai qua hệ thống loa truyền thanh của xã, thông qua các tổ chức đoàn thể, cán bộ thôn, xã để nhiều người được biết đến. Qua đó tập hợp được các đối tượng đang trong thời gian giáo dục quản lý tại địa phương tới dự các phiên xử và lấy đó làm gương, thức tỉnh các đối tượng trong diện quản lý tại địa phương có ý thức phấn đấu, rèn luyện bản thân để hoàn thiện mình. Trong quá trình xét xử từng vụ án cụ thể, Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người tham dự phiên tòa cũng như nhân dân tiếp cận được với các quy định của pháp luật nhằm nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lợi ích chung thì phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân một cách hiệu quả nhất nhưng với bị cáo và gia đình bị cáo thì hầu như không ai muốn bị đưa ra xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc. Bởi lẽ, nhân dân ta sống có tính cộng đồng rất cao, chú trọng cái tình nên ngoài bản án từ phía tòa thì mỗi bị cáo khi bị đưa ra XXLĐ còn phải chịu thêm hình phạt từ phía cộng đồng dân cư (bị mọi người xa lánh), vô hình chung sẽ gây khó khăn trong con đường tái hòa nhập cộng đồng của những người đã từng phạm tội. Như vậy, có thể thấy rằng việc XXLĐ đã mang lại hiệu quả rất cao trong TTGDPL cho nhân dân nhưng đối với ngành tòa án cũng cần xem xét và cân nhắc kỹ mỗi vụ án trước khi đem ra xét xử để tránh những hạn chế không mong muốn. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, định hướng dư luận xã hội và có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh phòng và chống tội phạm trên địa bàn. Bình Duyên |