Trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt, việc đảm bảo nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng quyết định đến năng suất, chất lượng thịt và sữa. Bên cạnh nguồn thức ăn thô, xanh truyền thống đang được sử dụng, thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt sử dụng bổ sung nguồn thức ăn dinh dưỡng từ cỏ Alfalfa.
Cỏ Alfalfa có giá trị dinh dưỡng cao
Gia đình ông Chu Tiến Dũng, thôn Cầu Chang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo nuôi 7 con bò đang cho thu hoạch sữa. Ông Dũng dành 360 m2 đất để trồng cỏ Alfalfa. Theo chia sẻ của ông, từ khi bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng từ cỏ Alfalfa vào khẩu phần ăn cho bò, chất lượng sữa thơm, ngon hơn, sản lượng sữa ổn định, không bị thay đổi theo thời tiết như trước kia.
Để chủ động bổ sung dinh dưỡng cho 40 con bò sữa và bò thịt, được sự tư vấn, hỗ trợ từ cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường, gia đình bà Khổng Thị Tâm, thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng đã trồng 1.000 m2 cỏ Alfalfa.
Sau khi bổ sung cỏ Alfalfa vào nguồn thức ăn cho đàn bò, bà Tâm nhận thấy, chất lượng sữa được nâng lên, đối với bò thịt, thịt săn chắc, thơm ngon hơn, được các đơn vị thu mua và thương lái đánh giá cao.
Với vai trò là cầu nối chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào cuộc sống, năm 2020, Sở KHCN đã giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh triển khai đề tài Nghiên cứu tuyển chọn giống cỏ Alfalfa nguồn gốc nhập nội phục vụ làm thức ăn chăn nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò sữa, bò thịt trên địa bàn tỉnh.
Thạc sĩ, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phân tích từ 46 giống cỏ được nhập nội có nguồn gốc từ Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc… và đã tuyển chọn được 7 giống Alfalfa triển vọng (AF1, AF2, AF3, AF4, AF5 AF6, AF7, đưa về trồng thử nghiệm tại các vùng chăn nuôi bò sữa của các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo, Lập Thạch.
Quá trình nghiên cứu các đặc điểm nông sinh học, năng suất và khả năng thích ứng với các vùng sinh thái, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được giống cỏ thích ứng tốt với các điều kiện trồng tại Vĩnh Phúc là giống cỏ AF1.
Giống cỏ Alfalfa AF1 có dạng cây bụi, thân và các cành nhánh mọc thẳng, có màu xanh. Lá kép có 3 lá chét, màu xanh đậm, hình bầu dục với mặt trên mịn, mặt dưới hơi có lông. Hoa màu tím nhạt, mỗi cành/thân chính có từ 6 - 7 chùm hoa, mỗi chùm có từ 5 - 25 hoa. Quả xoắn cuộn hình vành khuyên, chứa 2 - 6 hạt, quả non có màu xanh, chín có màu nâu. Năng suất chất xanh đạt cao nhất là 81,58 tấn/ha/năm.
Đặc biệt, khi bổ sung 1/3 lượng cỏ Alfalfa AF1 vào khẩu phần thức ăn thô xanh của đàn bò kết quả cho thấy, đàn bò khỏe mạnh, đặc biệt đối với bò sữa cho thời gian khai thác sữa kéo dài, sản lượng sữa ổn định kể cả vào những ngày thời tiết thay đổi thì lượng sữa không sụt giảm; lượng thức ăn tinh phải bổ sung cho đàn bò cũng giảm so với cách cho ăn trước đây.
Cỏ Alfalfa là cây họ đậu lâu năm, được mệnh danh là “nữ hoàng của thức ăn chăn nuôi”, trồng chủ yếu ở vùng ôn đới của các nước như Mỹ, Canada, Ý, Pháp, Trung Quốc, Nga...
Cây có thân chính mọc thẳng và dễ hóa gỗ, cao từ 30 - 90 cm. Trồng bằng hạt 18 - 22 kg/ha, bằng cành 5 - 6 tấn/ha. Thời gian thu hoạch khoảng 90 - 100 ngày sau khi gieo hạt; khả năng tái sinh sau 28 - 30 ngày; năng suất 20 tấn/ha/lần cắt; chất Ancaloid- enzim trong cỏ Alfalfa giúp bò sữa tiết sữa dồi dào và đạt chất lượng tốt hơn so với các loại cỏ khác.
Đến nay, qua phân tích cho thấy, nhờ sử dụng cây giống tốt, sạch bệnh, sản xuất theo quy trình tiên tiến, nên các mô hình khảo nghiệm, thâm canh cỏ Alfalfa đạt năng suất cao và chất lượng đồng đều.
Hạch toán trên diện tích 1.000 m2 tại gia đình bà Khổng Thị Tâm với chi phí mỗi năm ước 6 triệu đồng, sản xuất và thu hoạch gần 3 tấn cỏ Alfalfa. Trong khi với sản lượng này nhập khẩu từ nước ngoài về phải chi phí hơn 35 triệu đồng.
Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng số hộ chăn nuôi bò trồng cỏ Alfalfa trên địa bàn tỉnh chưa nhiều do diện tích đất còn ít. Mặc dù người chăn nuôi đều biết tác dụng tốt của cỏ Alfalfa, nhưng năng suất cỏ không cao, nên chỉ phù hợp với những gia đình có diện tích đất rộng. Đây cũng chính là trở ngại để cỏ Alfalfa chưa được trồng phổ biến.
Cùng với các nhà khoa học, ngành Nông nghiệp đang vận động nông dân trồng cỏ Alfalfa với diện tích vừa phải để cung cấp chất xanh thô giàu đạm cho bò, nâng cao chất lượng đàn bò sữa, bò thịt hướng tới một ngành chăn nuôi bò chất lượng cao.
Hoàng Hà