Thiếu cả người học lẫn người dạy Cách đây không lâu, chuyện hàng trăm phụ huynh xô đổ cổng trường Thực nghiệm Hà Nội trong cuộc chạy đua xin mua đơn cho con thi vào học lớp 1 trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ và công an, nhiều người ngã dúi dụi lại gượng đứng dậy. Hay cảnh phụ huynh và cả gia đình thay phiên nhau xếp hàng “xí” chỗ từ đêm khuya, gà gáy để mua bằng được đơn xin cho con vào học tiểu học không còn là điều lạ ở Hà Nội và các thành phố lớn. Điều đó trái ngược với cổng trường THCS thị trấn Tam Đảo, khi cổng trường luôn rộng mở đón các em học sinh mà thiếu vẫn hoàn thiếu. Bao nhiêu năm nay, trường vẫn mang danh là trường THCS nhưng lại đảm nhiệm chức năng của cả trường tiểu học và THCS với 9 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Bước vào năm học mới 2012-2013, trường có tất cả 56 học sinh, trong khi năm học 2011-2012 trường vẫn có 77 học sinh. Năm học này, trường chỉ có 7 khối lớp, không có khối lớp 7 và lớp 8 vì không có học sinh, trong đó lớp nhiều nhất là khối lớp 3 với 14 học sinh và lớp ít nhất là khối lớp 6 chỉ có 3 học sinh. Không chỉ thiếu học sinh, trường còn luôn rơi vào tình trạng thiếu giáo viên và đội ngũ giáo viên không ổn định. Hiện nay, trường có 15 cán bộ, giáo viên; trong đó khối tiểu học có 8 giáo viên và THCS có 6 giáo viên. Thiếu giáo viên, các thầy cô giáo ở đây luôn phải kiêm nhiệm, dạy chéo ban, có khi phải dạy cả những môn không được đào tạo, hầu hết mỗi giáo viên ít nhất phải dạy từ 3 môn học trở lên. Vì không có giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục nên giáo viên tiểu học phải dạy tất cả các môn đó cho các em học sinh. Trong năm học 2011-2012, chỉ có 2 cô giáo tiểu học mà phải dạy tới 5 lớp; giáo viên THCS phải dạy đến 8 môn nếu có đủ khối lớp. Trước đây còn có nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm cả 2 khối lớp, sáng dạy tiểu học, chiều dạy THCS. Năm học mới này, tuy giáo viên đã tạm đủ cả biên chế và hợp đồng, nhưng tình trạng không đồng đều giữa giáo viên các bộ môn vẫn xảy ra, gây khó khăn cho việc giảng dạy và học tập.
Giờ ra chơi nhưng sân trường cũng chỉ có lác đác vài học sinh. Ảnh B.D Đi tìm nguyên nhân Tuy có nhiều khó khăn nhưng trường THCS thị trấn Tam Đảo vẫn có đủ số lượng phòng học với 9 phòng cho học sinh học 1 ca và 2 phòng học bộ môn. Thiết bị dạy học, thư viện, tài liệu giảng dạy tương đối đầy đủ theo yêu cầu, học sinh có đủ SGK đạt 100% ngay từ đầu năm. Nhưng tất cả những điều đó vẫn không giúp học sinh mặn mà đến học tại trường nhà mà lại có chuyện học sinh thị trấn được bố mẹ chuyển đi nơi khác học, chủ yếu là xuống núi để học chữ, kể cả phải đi trọ học hay chuyển con về quê để học. Thầy Phạm Đức Thái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở trường tôi, thỉnh thoảng lại có học sinh chuyển đi. Cứ mỗi dịp năm học mới đến, chúng tôi lại thấp thỏm không biết học sinh năm nay được bao nhiêu? có khá hơn năm ngoái không hay lại giảm sút đi?có thầy cô nào mới về trường nữa không... Thầy chia sẻ: “Đúng là chất lượng dạy và học ở đây không thể tốt như các trường vùng đệm được. Tuy nhiên, không phải trình độ giáo viên kém hơn mà họ phải kiêm nhiệm, dạy thêm quá nhiều môn không đúng chuyên môn được đào tạo; đối với những môn học đó, giáo viên chỉ có thể cố gắng dạy được kiến thức cơ bản đã là rất tốt rồi. Tình trạng điều động, luân chuyển giáo viên liên tục trong thời gian ngắn cũng khiến cho các thầy cô không còn tâm huyết gắn bó với nơi này. Cũng có giáo viên chỉ ở hết thời gian tập sự, khi được xét biên chế là họ chuyển đi ngay”. Trước thực trạng đó, phụ huynh ở địa phương đều muốn chuyển con đi học xa, bởi ai cũng mong cho con cái mình được học hành đầy đủ, toàn diện với điều kiện, phương pháp giảng dạy tốt nhất. Sở dĩ giáo viên trở nên thiếu trầm trọng đối với trường THCS thị trấn Tam Đảo là do năm học 2009-2010, một loạt giáo viên người địa phương về nghỉ hưu nên giáo viên giảng dạy trở nên trống. Đội ngũ giáo viên trẻ lên đây dù có yêu trẻ, yêu nghề bao nhiêu thì cũng khó có người nào bám trụ được lâu bởi cuộc sống nơi đây rất khó khăn. Giáo viên đi lại vất vả, đồng lương ít ỏi mà giá cả sinh hoạt lại rất đắt đỏ bởi là địa điểm du lịch. Hầu hết giáo viên đều ở lại nội trú vì nhà xa, nhưng vẫn có những giáo viên lên núi xuống núi hàng ngày như cô giáo Nguyễn Thị Luyến đang giảng dạy hợp đồng khối tiểu học của trường, nhà ở xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường) nhưng ngày nào cô cũng vượt gần 100 cây số, sáng đi, trưa về vì con nhỏ. Cô lên đây giảng dạy với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng, không có thêm khoản ưu đãi nào khác. Mặc dù phải bám trụ lại nơi vùng cao giảng dạy với muôn vàn khó khăn nhưng những giáo viên ở đây không được hưởng bất kỳ chế độ ưu đãi đặc biệt nào như những xã thuộc diện 135 của Tam Đảo, bởi đây là thị trấn không được hỗ trợ. Có lẽ, để giữ giáo viên lại, thu hút học sinh tới trường đòi hỏi ngành Giáo dục và các cấp, ngành khác có biện pháp giải quyết những bất cập. Nếu nhìn lại kết quả học tập năm học vừa qua của trường với 24,1% học sinh cấp tiểu học và 18,1% cấp THCS đạt loại giỏi; đạt 3 giải khuyến khích môn Tiếng Anh cấp huyện; cả 2 cấp học học sinh đều lên lớp 100%; trường xếp thứ 4 về chất lượng giáo dục toàn huyện… Điều đó chứng tỏ nếu giáo viên đủ, học sinh đông trường sẽ có sự chuyển biến và những kết quả tốt trong công tác dạy và học. Diệu Linh |