Thế cũng gọi là “nghề” Trên tuyến đường Vĩnh Yên, Lập Thạch, khách ngược xuôi không ít người dừng xe trước “chợ thủy sản” ven đường giáp ranh 2 xã Tiên Lữ và Xuân Lôi. Phiên chợ này đã họp được hơn tháng nay với duy nhất sản phẩm Ốc. Không có cảnh chen lấn, xô bồ giữa người bán, người mua như những phiên chợ tại thành thị. Bán hàng là những người nông dân chân lấm, tay bùn với những gương mặt thật thà, chất phác cùng làn da xanh tái vì lạnh bởi thời tiết và do ngâm nước quá nhiều. Họ là những cư dân của hai xã Tiên Lữ và Xuân Lôi (chủ yếu là đàn bà và trẻ nhỏ) làm thêm “nghề phụ” nhân lúc nông nhàn: Bắt ốc. Cánh đồng Chằm nước ngập mênh mông, dẫu đang mùa cạn nhưng mực nước vẫn ngang đầu gối. Đầu đông, hơi nước cùng những con gió nhẹ nhè cũng đủ khiến khách qua đường cảm nhận được cái lạnh tê cóng của thời điểm giao mùa. Trên cánh đồng, bất chấp cái lạnh của thời tiết, hàng chục người vẫn cặm cụi lần mò với công việc của mình. “Công việc này cần sức dẻo dai, chịu đựng. Sợ nhất là những ngày đông giá rét, có khi nhiệt độ xuống thấp quá ngâm mình cả ngày, cứ như ngâm mình trong nước đá ấy”. Không ngừng cắm tay xuống bùn mò, nặn những chú ốc, bác Huệ(Tiên Lữ) cho biết: “Chuyện chảy máu do đạp phải vật nhọn dưới bùn, rắn nước cắn như cơm bữa. Cũng may mà chưa có ai bị nặng phải đi viện”. Vất vả, cực khổ nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc chăm chỉ, không kêu than dù thu nhập cũng chẳng đáng là bao: “Diện tích đồng chỉ có vậy, cá tép sinh sôi không kịp do người bắt quá nhiều. trước còn tàm tạm nhưng giờ ngày càng ít, hôm nào may mắn cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng. Nhưng thu nhập ở nông thôn, lúc nông nhàn thế là quý rồi”. Một người “trong nghề” tâm sự. “Gạn đục” để “khơi trong”… Sau mỗi kỳ thi đại học, ngân sách xã Xuân Lôi dành cho quỹ khuyến học ngày một hạn hẹp bởi như lời “tâm sự buồn” của một cán bộ xã: “Cứ sau mỗi cuộc gặp mặt hàng năm của xã (truyền thống) với các học sinh đỗ đại học, cao đẳng thì số tiền quỹ dành thưởng cho các em cũng thâm hụt đi rất nhiều, do số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng trên địa bàn không ngừng tăng mạnh”. Không nhà máy, xí nghiệp. Chẳng làng nghề, dịch vụ chưa phát triển. Từ bao đời nay, cư dân của 2 xã Tiên Lữ và Xuân Lôi(Lập Thạch) chủ yếu vẫn “thủy chung” một nắng hai sương, côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó. Dẫu thời buổi không đến nỗi “gạo châu, củi quế” nhưng rõ ràng với những gia đình đang sống bằng nghề nông trong thời bão giá hiện nay, chi phí sinh hoạt hết sức hạn chế. Sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu họ phải chu cấp thêm cho con em mình đang theo học xa nhà. Thậm chi có những gia đình bố mẹ làm nông nuôi 2 con học đại học tại Hà Nội thì hoàn cảnh khó khăn không tả hết. “Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình được vay vốn cho học sinh, sinh viên nên cũng đỡ lo phần nào. Nhưng vay thì phải có trả. Bởi vậy gia đình tôi luôn tiết kiệm chi tiêu đến mức hạn chế nhất, cóp nhặt từng đồng một để các cháu có điều kiện học hành cho bằng bạn bè. Khổ một tí cũng được nhưng rất vui vì con mình ngoan, hiểu và cảm thông với cha mẹ từ đó không ngừng học tập”. Vừa chao sạch mẻ ốc mới bắt trong chiếc rổ cũ gần bung cạp, bác Hiền (Tiên Lữ) vừa tâm sự. Trong ánh mắt của người phụ nữ cỡ ngoại tứ tuần ẩn chứa niềm hạnh phúc ngọt ngào, trìu mến mỗi khi nhắc đến những đứa con thân yêu đang đi học xa nhà. Cũng giống như bao người dân nghèo sống tại Tiên Lữ và Xuân Lôi, vì tương lai của con em, họ chấp nhận vất vả, cực khổ, xoay đủ thứ “nghề”, tranh thủ, tận dụng mọi khoảng thời gian lao động nhằm xây dựng cho con em mình một nền tảng tốt nhất cho tương lai. Trời đã nhập nhoạng tối, những mẻ ốc cuối cùng đã được bán hết, chị Hương (Tiên Lữ) nhẩm tính lại số tiền thu được sau một ngày lao động: “Trời lạnh, ốc được giá nên thu nhập có khá hơn những hôm trước. Cả ngày vừa mò, vừa bán cũng kiếm được hơn 50 nghìn đồng. Vẫn còn ngót 1kg mang về tối cả nhà cải thiện. Giá như hôm nào cũng như hôm nay thì tốt quá. Nhanh thật, lại hết tháng rồi, chắc cuối tuần phải gửi tiền cho cậu cả đang học dưới Hà Nội. Không biết ngày mai có được khá không”. Lẫn trong bóng chiều, cô bé Lan – “đồng ngiệp” chị Hương cũng đang loay hoay thu dọn đồ nghề sau một ngày vất vả: “Từ đầu vụ đến giờ cháu cũng tiết kiệm được hơn 200 nghìn rồi đấy. sách giáo khoa kỳ một mẹ đã mua rồi, không biết 200 nghìn có đủ tiền mua bộ sách của kỳ 2 không chú nhỉ ?”. Thiệu Vũ |