Mỏi gối đợi Trời nhập nhoạng tối, cái lạnh cắt da của tiết trời đầu đông khiến ai cũng khẩn trương về nhà sau ngày làm việc vất vả. Bất chấp cái lạnh tê cóng, tại những điểm dừng xe buýt, giờ tan tầm, không khí như được hâm nóng sau mỗi lần đón trả khách. Chuyến xe số 03 (Vĩnh Yên - Lập Thạch - Sông Lô) lặc lè rời bến mang trong mình lượng hành khách được lèn chặt như "cá hộp". Bỏ lại đằng sau gần 2 chục hành khách “mắt mờ, chân chậm”. “Lại phải đợi thêm 30 phút nữa rồi, chắc gần 8h mới về được đến nhà mất” - tiếng một trong những vị khách “nhỡ chân” lập tức trở thành chủ đề chính của cả bến trong quãng thời gian “nghỉ giữa hiệp”. “30 phút là may đấy. Nếu cứ chậm chạp, ngại va chạm thì tốt nhất là nên kiếm chỗ nào mà ngủ lại. Đi xe buýt giờ tan tầm này thì không rụt rè, lịch sự được đâu. Đấy các bác và anh cứ thử nhìn xem, từ con gái ăn mặc lịch sự, xinh đẹp đến những anh cán bộ áo vét, cặp tây đạo mạo là thế nhưng khi xe đến đều lao hùng hục, cũng chen lấn, xô đẩy như hội cướp Phết đấy thôi. Mạnh ai nấy được mà, có vậy thì giờ họ mới đang trên đường về nhà được chứ”. Quý (công nhân khu công nghiệp Khai Quang) tham gia câu chuyện với vẻ mặt của một chuyên gia “buýt học”. Thấy tôi và mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên trước nhận định của mình, Quý tiếp tục giảng giải: “Này nhé, mọi người cứ thử nhìn xem, giờ tan tầm, mùa đông lạnh cóng, đi làm bằng xe buýt là “mốt thời thượng” của mọi người bây giờ. Không chỉ ấm áp, an toàn lại tiết kiệm, văn minh. Đó cũng là nguyên nhân khiến các trạm đợi xe luôn chật cứng người. Nói đâu xa, ngay cái bến mà chúng ta đang đứng đây (Bến xe mới - Khu công nghiệp Khai Quang) là bến đầu đấy, nhưng đã 2 chuyến khởi hành rồi, sao các bác và anh vẫn chưa về? Đông quá, không chen được đúng không. Nghĩ rằng chuyến sau sẽ ít hơn chuyến trước trong lúc này mà ngại va chạm, chen lấn để lên xe là sai lầm đấy. Không tin mọi người cứ nhìn đi, từ nãy đến giờ chỉ hơn 10 phút thôi, số người đợi xe tại đầu bến chỉ có tăng lên chứ có giảm đi tẹo nào đâu”. “Cậu thông thạo thế, sao giờ vẫn chưa được về” tiếng ai đó chen ngang như có vẻ chưa thật sự tin những gì cậu thanh niên trẻ thuyết trình. “Cháu đợi bạn về cùng mai đi ăn cưới. Chứ không đã chẳng ngồi đây đến giờ này. Các bác ít đi xe lúc tan tầm nên chưa quen thôi, chứ bọn cháu đi mãi thành quen rồi. Kiểu gì chẳng về được”. Câu chuyện càng trở nên sôi nổi khi Hải (bạn Quý) xuất hiện. Cũng là một trong những “chuyên gia” môn “buýt học”, Hải khẳng định: “Trong 8 tuyến xe buýt đang hoạt động hiện nay của Vĩnh Phúc, tuyến 03 (VĩnhYên - LậpThạch - Sông Lô) và 01 (Vĩnh Yên - KCN Quang Minh) là hai tuyến “khó” đi nhất. Bởi lượng khách đông, đường xa. Tuyến 07 (Vĩnh Yên-Tam Đảo) là chuyến “nhàn” nhất bởi xe lớn, chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu cứ đi đầu giờ hoặc cuối giờ thì hành khách đều có nguy cơ cuốc bộ. Bởi tất cả các tuyến đều quá tải do nhu cầu đi lại của người dân rất lớn’. Cùng với những nhận định của mình về các chuyến xe, Hải truyền lại cho chúng tôi một số kinh nghiệm cần thiết khi đi xe buýt như: Lộ trình các xe ra sao, đón xe ở điểm nào, lúc nào, để thuận tiện và tiết kiệm thời gian không phải đợi lâu… Câu chuyện vụt tắt khi từ bến chuyến xe 03 chầm chậm lăn bánh đón khách. Dường như ngay lập tức cả đám đông mấy chục người ào túa ra, vây bổ lấy cửa lên xuống, bám vào thành xe dù cửa chưa mở. Được sự khích lệ, cổ động, giúp đỡ của hai “chuyên gia” mới quen, sau một hồi chen lấn, vật lộn tôi cũng kiếm được một chỗ, vừa đủ đặt… một chân trên chuyến xe được lèn kín những người là người. Xe lặc lè dời bến, bỏ lại đằng sau hơn chục hành khách “vô duyên”, chậm chạp, thất thểu, lê bước về điểm đợi. Đâu đó trên xe vang lên giọng ngâm khe khẽ như đồng cảm với những hành khách kém may mắn: Hữu duyên xe bus năng tương ngộ/Vô duyên đi bộ cẳng mỏi rời. Nỗi khổ của "Thượng đế" Dù đã không ít lần đi xe buýt nhưng lần đầu đi xe vào “giờ vàng” đã để lại trong tôi những "ấn tượng khó phai". Chưa kịp lấy lại tinh thần sau “màn khởi động” chen lấn, xô đẩy lúc lên xe, theo dòng người không ngừng di chuyển tôi cũng kịp tìm cho mình một chỗ đứng (bằng một chân) trong chiếc xe lèn cứng hành khách. Không còn tiếng bàn tán, xôn xao như ở điểm đợi, lúc này, mọi hành khách dường như đều cố gắng ổn định vị trí và nghỉ lấy sức mặc xe từ từ lăn bánh. “Xe chật rồi anh nhé”, từ cuối xe, tiếng anh phụ lái thông báo với bác tài trước khi tới điểm bắt khách tiếp theo xen lẫn những tiếng thở hổn hển của không ít hành khách vẫn còn mệt vì “màn khởi động”. Đã qua 2 trạm dừng, mặc cho không ít hành khách vẫy tín hiệu dừng xe, bác tài vẫn điều khiển chiếc xe đã quá tải chầm chậm qua điểm bỏ lại đằng sau những ánh mắt nuối tiếc, buồn tủi cho những hi vọng vừa lóe sáng lại vụt tắt của những hành khách cuối cùng. Dường như đã quá quen với cảnh gần 100 con người đứng chật ních không thể nhúc nhích trên xe, anh phụ lái vẫn kiên nhẫn di chuyển từng chút một từ cuối lên đầu xe thu tiền vé. Giữa mùa giá lạnh nhưng không ít người toát mồ hôi như xông hơi hàng giờ, họ đứng thở hắt vào gáy ướt đẫm mồ hôi của nhau, không khí trong xe như đặc quánh lại. Làn khí eo hẹp luồn qua những khe hở vài centimet chân kính đã được chốt bằng cách đóng đinh, có lẽ vì lý do an toàn. Không ít lần xe vào bến trả khách xuống, cánh cửa mở ra đưa dưỡng khí vào bên trong, ánh đèn hắt lên những gương mặt ướt đẫm mồ hôi bóng nhẫy há mồm thở. Qua khung cửa kính mờ mờ, nhờ ánh đèn đường của thành phố, dòng người vẫn tấp nập hối hả tỏa về những ngả đường về mái ấm thân thương. Chiếc xe buýt lọt thỏm giữa một biển xe gắn máy và ô tô giờ tan tầm rập rình lê từng mét. Trên xe tiếng rì rầm đã bắt đầu xuất hiện. Những câu chuyện về giá cả đắt đỏ của mấy chị công nhân, những cuộc điện thoại cho người thân đi đón của vài cô cậu sinh viên, rồi thông tin: “Theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015, Vĩnh Phúc sẽ phát triển từ 8 tuyến hiện nay lên 15 tuyến và kéo dài hợp lý một số tuyến hiện có, nâng tổng số chiều dài các tuyến xe buýt từ 410km lên khoảng 600km với gần 500 điểm dừng, đón trả khách. Đáp ứng khoảng 15.000 lượt khách đi lại hàng ngày”… Những tiếng rì rầm, xôn xao ấy thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi xe nghiêng ngả khi đi vào đoạn đường xấu. Mất gần 1h hành trình cùng xe buýt tôi cũng về được đến nhà, xuống bến đứng thở dốc, hít sâu vào lồng ngực luồng không khí lẫn khí thải phương tiện giao thông cùng bụi đường kín đặc mà vẫn thấy trong lành. Thiệu Vũ |