Nằm bên dòng Lô giang hiền hòa với bãi bồi xanh ngút mắt ngô, dâu, xã Đức Bác, huyện Sông Lô từ nhiều thế hệ nối tiếp đã nổi tiếng với điệu hát trống quân của người Trại Lép xưa. Trải bao thăng trầm, hát trống quân nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, là nét văn hóa tinh thần riêng có của người dân nơi đây. Tuy nhiên, việc bảo tồn, giữ gìn làn điệu cổ đã và đang đặt ra cho địa phương những bài toán khó, khi những đào, kép năm xưa tuổi đã cao, người còn, người mất; thế hệ kế cận tuy có nhưng không nhiều.
“Đi đâu từ sớm đến giờ
Để cho anh đợi anh chờ anh mong
Bên em còn dở hội chùa
Cho nên em phải sang trưa thế này”...
Những ca từ mộc mạc, dễ thuộc, dễ nhớ ấy của làn điệu trống quân Đức Bác giờ đây không chỉ được diễn xướng trên sân khấu mà lời hát còn theo chất giọng trầm ấm của các bà, các chị ra tận ruộng đồng; họ hát lúc lao động sản xuất, trong sinh hoạt đời thường, bên cánh võng ru con...
Hát trống quân được chia làm 2 thể loại, là hát giao duyên và hát thờ; trong đó, hát giao duyên gồm các làn điệu hát trống quân, hát mó cá, hát đúm, xin hoa đố chữ; hát thờ gồm các làn điệu giáo trống, giáo pháo, thơ nhang.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Phấn luôn dành tình yêu, sự mến mộ đặc biệt cho làn điệu trống quân Đức Bác. Ảnh: Hoàng Cúc
Hát trống quân đa số là hát theo vần điệu lục bát. Điểm độc đáo của hát trống quân Đức Bác là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian vừa hát, vừa múa mang tính riêng biệt.
Đặc điểm của hát trống quân Đức Bác có những tiết tấu, nhịp điệu mang đặc trưng của vùng trung du Bắc Bộ, thường gắn với nhịp phách của trống nên nhịp điệu khá rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết, giống tiết tấu của trống hội. Làn điệu trống quân được hát trong lễ hội diễn ra 3 ngày vào đầu tháng 2 âm lịch tại đình Đức Bác.
Trong lễ hội, các chàng trai Ðức Bác mặc quần trắng, áo trắng, đầu buộc khăn đỏ, đai lưng đỏ, đeo trống, kéo nhau ra bến quán đón những cô gái từ Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) sang hội. Lễ rước đón bằng các làn điệu trống quân. Đó là cuộc diễu hành nghệ thuật trao duyên diễn ra suốt từ bến quán đến làng xóm và về đến cửa đình của làng mới mãn cuộc đối đáp đôi bên. Mỗi dây thành một tốp, mỗi tốp thường có 3 kép Ðức Bác và 3 đào Phù Ninh. Họ di chuyển chậm theo những khúc hát đẩy đưa, trong những vòng tròn vây hãm của những chàng trai Ðức Bác quanh những cô gái Phù Ninh. (*)
Những đào kép hát đón đưa nhau bên bãi bồi cạnh dòng Lô giang ngày nào giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tình yêu, niềm say mê với làn điệu dân ca quê hương đã ngấm vào họ từ khi còn là những trai, gái làng chưa mười tám, đôi mươi.
Thế nên, nay tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, chân đi chậm, mắt nhìn mờ… nhưng nhắc đến hát trống quân, họ lại tự gõ trống, đệm cho tiếng hát run run cất lời. Một trong số đó là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Phấn, nay đã 103 tuổi, ở thôn Giáp Trung, xã Đức Bác.
Đón những thành viên CLB Trống quân Đức Bác đến thăm chơi, cụ Phấn rưng rưng xúc động, giục con trai dìu đi thay bộ áo dài, nhắc cháu lục tìm bộ nhạc cụ thời còn đi hát ngày xưa, cả những quyển sổ ghi chép bài hát đã mấy chục năm qua được cụ nâng niu, gìn giữ bằng tất cả những hồi ức thanh xuân hoa mộng, đẹp đẽ.
Khi tiếng trống được cháu Nguyễn Lê Gia Bảo (8 tuổi) gõ lên dồn dập, cụ Phấn bỗng nhún chân, uốn tay như đang biểu diễn trong kép hát tại sân đình. Những khúc hát trống quân ngày nào được cụ bắt nhịp đều đặn với nhịp trống gõ. Dù chất giọng không còn cao và trong như xưa, nhưng chúng tôi cảm nhận được trong ánh nhìn ấy, trong giọng ca ấy dâng ngập niềm say mê xen lẫn cảm xúc tự hào.
Bà Trần Thị Nga (sinh năm 1952) là một trong số ít học trò đã theo học hát trống quân do cụ Phấn mở lớp dạy tại nhà từ năm 2010 cho biết: "Hơn chục năm trước, lúc cụ Phấn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn, cụ đã mở lớp truyền dạy làn điệu trống quân cho các thế hệ con cháu trong xã.
Tuy nhiên, số người theo học không nhiều. Biết là theo thời gian, khi những đào kép cùng thời cụ không còn, làn điệu trống quân cũng sẽ dần mai một, nên chúng tôi ra sức học tập bài bản, ghi chép cẩn thận các lời bài hát được cụ truyền dạy.
Hát trống quân được tái dựng bên bờ sông Lô. Ảnh: Khánh Linh
Về sau, tôi và một số bạn học cũng có mở lớp tại nhà, truyền dạy cho các cháu nhỏ với thời gian học 2 buổi/tuần. Trong số những gương mặt nhỏ tuổi ấy, nổi trội là cháu Nguyễn Lê Gia Bảo năm nay 8 tuổi, cháu có thể vừa đánh trống, vừa hát trống quân và cô em gái Nguyễn Lê Hà Vy (5 tuổi) cũng đã biểu diễn thành thạo một số bài hát”.
Giờ đây, trên bến Sông Lô những ngày đầu tháng Hai âm lịch không còn những đoàn người gánh gạo, hát đón đào từ phía Phù Ninh sang. Thỉnh thoảng trống quân Đức Bác chỉ còn được biểu diễn trong các chương trình giao lưu văn nghệ bởi các thành viên CLB Trống quân. Phần đa thành viên là nữ nên khi phân vai kép cũng đều giao cho nữ đảm nhận, cải trang.
Đền Đức Bác nằm cạnh bến đò, nơi khởi xướng của điệu hát trống quân nay không còn nữa. Địa phương đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đề nghị UBND huyện Sông Lô đầu tư khôi phục lại đình, để tái tạo không gian diễn xướng cho làn điệu trống quân Đức Bác.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bác Lê Quang Xưởng cho biết: “Không chỉ riêng phía chính quyền mà người dân xã Đức Bác cũng luôn nỗ lực để bảo tồn, gìn giữ làn điệu trống quân của quê hương, bằng cách thường xuyên mở các lớp truyền dạy làn điệu trống quân cho thế hệ trẻ.
Hy vọng rằng, trống quân Đức Bác sẽ có được sự tiếp nối lâu dài, được lưu truyền cho các thế hệ cháu con, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đức Bác nói riêng và hòa cùng nét văn hóa đặc sắc của miền quê Sông Lô nói chung”.
Bài, ảnh: Hoàng Cúc
(*): Tư liệu do UBND xã Đức Bác cung cấp.