Những năm qua, việc đánh giá chất lượng về lĩnh vực đất, giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi tuy đã có nhiều cố gắng nhưng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán các sản phẩm trên, không tránh khỏi hàng giả, hàng kém chất lượng. Để có những căn cứ khoa học cho việc xác định, đánh giá chất lượng đất phục vụ các chương trình, dự án quy hoạch nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, đồng thời sử dụng, cải tạo, bồi dưỡng đất nông nghiệp ngày càng bền vững, công tác điều tra, phân tích đất, phân bón cần có hệ thống phòng thử nghiệm đủ năng lực phân tích, đánh giá. Năm 2008, được UBND tỉnh phê duyệt dự án “Đầu tư trang thiết bị phòng phân tích đất, kiểm nghiệm phân bón, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi”, Trung tâm Thổ nhưỡng nông hóa đã tổ chức và cơ cấu lại các hoạt động để tiếp cận với lĩnh vực khoa học mới. Chị Âu Thị Kim Phượng, khái lược: Trung tâm được thành lập trên cơ sở trạm nông hoá thổ nhưỡng, trụ sở phải đi ở nhờ, trang thiết bị phục vụ cho công tác đã cũ, lạc hậu. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trung tâm phần lớn mới tốt nghiệp ra trường, tuổi đời còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác. Khi được đầu tư của tỉnh và sự giúp đỡ của Sở Khoa học và công nghệ, Sở NN&PTNT, cán bộ, nhân viên của Trung tâm rất phấn khởi và coi đây là bước đột phá trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, trước khi có công nghệ, Trung tâm đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan của trung ương, nhằm tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Hiện tại, cùng với việc được đầu tư phòng thí nghiệm, cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã làm chủ được công nghệ về phân tích đất, thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi, kiểm nghiệm phân bón, giống cây trồng. Đây là phòng thí nghiệm nông nghiệp, được áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005. Chứng nhận VILAS trên cơ sở đạt 4 tiêu chuẩn Việt Nam sẽ góp phần làm cho công tác kiểm soát, quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp chặt chẽ, hiệu quả hơn và quản lý tốt hơn các hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tránh thiệt hại lớn cho nông dân đồng thời giảm chi phí cho sản xuất, đảm bảo an toàn nông sản, thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trong thực tế, để được các cơ quan, tổ chức chỉ định, công nhận năng lực phòng thử nghiệm và có đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, sau khi hoàn thành việc đầu tư thiết bị, Trung tâm đã xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng Phòng Thử nghiệm nông nghiệp theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nhân viên vận hành hệ thống quản lý chất lượng; tiến hành thử nghiệm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp; đào tạo nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho nhân viên quản lý, phân tích phòng thí nghiệm Khác với quản lý tiêu chuẩn chất lượng về hành chính, khi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 được ban hành, các hoạt động của phòng thử nghiệm nông nghiệp của Trung tâm Thổ nhưỡng nông hóa đã nhanh chóng tuân thủ theo tổ chức, quản lý của hệ thống quản lý chất lượng; các vị trí công việc được sắp xếp linh hoạt, trình tự; hoạt động kỹ thuật, hành chính và chất lượng của phòng thử nghiệm đều tuân thủ và thực hiện theo chính sách chất lượng. Chính vì vậy, mục tiêu chất lượng hàng năm được Trung tâm xây dựng và phổ biến đến toàn thể nhân viên trong cơ quan. Từng cá nhân, từng bộ phận có đủ khả năng đảm đương công việc và phải chịu trách nhiệm pháp lý về công việc được giao; đáp ứng được tốt nhất mọi yêu cầu từ phía khách hàng và cơ quan thẩm quyền. Trước yêu cầu trên, năm 2011, phòng thử nghiệm của Trung tâm đã tiến hành thực hiện phân tích 550 mẫu đất, phân bón với 5.200 chỉ tiêu; 444 mẫu thức ăn chăn nuôi với 3.552 chỉ tiêu; kiểm nghiệm giống cây trồng: 512 mẫu với 3.072 chỉ tiêu. Tham gia thử nghiệm thành thạo liên phòng; so sánh đối chứng do Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam tổ chức. Thông qua kết quả thử nghiệm thành thạo liên phòng, thử nghiệm đối chứng đã đánh giá khách quan về năng lực, trình độ nhân viên của phòng thử nghiệm, đảm bảo cung cấp tốt nhất các dịch vụ thử nghiệm và đáp ứng được tất cả yêu cầu của khách hàng, cơ quan thẩm quyền hoặc các cơ quan công nhận, chỉ định. Nói về định hướng hoạt động của Trung tâm, Giám đốc Âu Thị Kim Phượng cho biết: Phòng thử nghiệm nông nghiệp của Trung tâm phấn đấu sớm đạt được các chứng chỉ của Bộ, đây là cơ sở để trung tâm vừa duy trì hoạt động, vừa nâng cao tay nghề cho cán bộ công nhân viên, qua đó phối hợp với các đơn vị chức năng lấy mẫu phân tích, giúp cho người dân lựa chọn sản phẩm có hiệu quả, góp phần thực hành sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩnVietGap. Bài, ảnh Mai Liên |