Là bệnh viện mới được thành lập nên Bệnh viện Đa khoa Sông Lô đang phải “ở nhờ” trạm xá của xã Tân Lập. “Cơ sở vật chất thiếu thốn, trong tương lai sẽ được đầu tư, nhưng điều mà chúng tôi đang lo lắng nhất đó là vấn đề con người” – đồng chí Phan Kim Trọng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sông Lô cho biết. Theo kế hoạch đến năm 2015, Bệnh viện Đa khoa Sông Lô sẽ được đầu tư xây dựng bệnh viện mới quy mô từ 120 đến 150 giường bệnh, với lực lượng cán bộ từ 150 đến 180 người, trong đó có khoảng 30 bác sỹ. Điều mà ông Trọng đang băn khoăn, không phải là việc xây dựng như thế nào, mà là vấn đề con người. Bởi chỉ trong vòng 3 năm nữa làm sao có thể tuyển 30 bác sỹ, trong khi hiện nay cả bệnh viện mới có 7 bác sỹ. Dự đoán được tình trạng này, những năm trước Giám đốc bệnh viện đã phải cất công tìm đến các trường Đại học đào tạo bác sỹ để liên hệ với những sinh viên đang học quê ở Sông Lô và Lập Thạch để đặt vấn đề. Thậm chí những ngày kỷ niệm của ngành, đồng chí còn mua hoa đến tận nhà để chúc mừng. Không khác gì Lưu Bị đi thỉnh Khổng Minh (nhân vật trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa), nhưng năm lần bẩy lượt đi cũng chỉ nhận được những nụ cười rất tươi. Cũng có một số bác sỹ trẻ sau đó đã về làm, nhưng chỉ được một thời gian lại xin nghỉ để ra làm ở ngoài. Tuyến huyện đã vậy, tuyến xã lại càng thiếu hơn. 17 trạm y tế xã, thị trấn của huyện, cán bộ chủ yếu trình độ trung cấp. Nếu tính trên đầu ngón tay, thì cả huyện Sông Lô số bác sỹ tuyến xã còn chưa đủ một bàn tay. Thực trạng thiếu bác sỹ ở huyện Sông Lô cũng là một vấn đề chung đang diễn ra lâu nay ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Theo đồng chí Trọng do mức lương chênh lệch giữa làm ở một bệnh viện nhà nước với các phòng khám tư. Một bác sỹ mới ra trường hiện nay về làm tại một bệnh viện nhà nước, theo quy định của nhà nước được hưởng mức lương tối thiểu nhân hệ số 2,34. Tính tất cả các khoản thì cũng được gần 3 triệu đồng, trong đó hàng tuần phải trực trung bình khoảng 3 ngày. Nhưng nếu làm ở các phòng khám, bệnh viện tư, ngày làm 8 tiếng, không phải trực, bảo hiểm xã hội được chủ cơ sở đóng, mức lương ít nhất cũng phải gấp đôi. Chính bởi vậy, các bác sỹ sau khi ra trường không muốn về các bệnh viện vùng sâu, vùng xa vì ngoài vấn đề ít có điều kiện nâng cao tay nghề thì vấn đề chủ yếu là thu nhập thấp. Anh Thuận đang làm cho một phòng khám tư tại Vĩnh Yên nói; Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Đại học Y, anh làm trong một bệnh viện huyện. Làm 6 ngày/tuần, mỗi tuần có khi phải trực đến 4 lần nhưng mức lương của anh cũng chỉ 3 triệu đồng/tháng nên anh đã ra làm phòng khám tư. Hiện nay mức lương của anh là 15 triệu đồng/tháng, bảo hiểm xã hội được chủ cơ sở đóng. Mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, anh để dành được 10 triệu đồng. Nếu làm trong bệnh viện nhà nước, mỗi tháng anh không có tiền để dành. Nên trước mắt anh sẽ gắn bó với phòng khám tư này và anh chưa có ý định vào làm trong bệnh viện nhà nước. Sự chênh lệch thu nhập giữa một bác sỹ làm trong bệnh viện nhà nước với một bác sỹ làm phòng khám tư đang khiến tình trạng chảy máu chất xám diễn ra mạnh hơn. Điều đó khiến các bệnh viện tuyến dưới thiếu trầm trọng bác sỹ. Để gấp rút xây dựng đội ngũ cán bộ đại học, ông Trọng đành phải tạo điều kiện cho một số cán bộ học liên thông tiếp để nâng trình độ, hưởng nguyên lương, nhưng phải làm bản cam kết sau khi học xong sẽ công tác ở bệnh viện ít nhất 15 năm. Tuy làm cam kết như vậy, đồng chí Trọng cũng thừa nhận rằng sự ràng buộc khó giữ chân các bác sỹ ở lại với bệnh viện. Để khắc phục tình trạng này, theo đồng chí Trọng thì việc đầu tiên cần làm là thực hiện việc đào tạo theo địa chỉ, trong đó địa phương hay các bệnh viện “đặt hàng” sẽ có chính sách hỗ trợ việc đào tạo để sau khi ra trường các bác sỹ sẽ trở về phục vụ. Còn trước mắt, để nhanh chóng xây dựng được đội ngũ đáp ứng nhiệm vụ thì cần hỗ trợ cán bộ nhân viên đi học liên thông để nâng cao trình độ. Nhưng về lâu dài thì các cấp chính quyền cần có một chính sách đãi ngộ để thu hút các bác sỹ về cơ sở. Bài, ảnh Nguyễn Vương |