Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông không thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Vào giờ tan học, giao thông tại các cổng trường thường xuyên bị ảnh hưởng. Học sinh, sinh viên tung tăng chạy qua đường, trêu đùa nhau, chuyện trò, hoặc chạy xuống lòng đường, tạt vào những gánh hàng rong, xe đẩy, hàng quán để mua đồ ăn vặt, bất chấp các phương tiện giao thông đang qua lại trên đường phố, rất dễ gây ra tai nạn. Rồi tình trạng từng tốp học sinh, sinh viên đi xe đạp, xe máy dàn hàng ba, hàng bốn, chiếm hết cả phần đường của các phương tiện khác, gây cản trở người tham gia giao thông. Chứng kiến giờ tan học tại một số trường trên địa bàn Thành phố Vĩnh Yên như: THPT Chuyên Vĩnh Phúc, THPT Trần Phú, Cao đẳng nghề Việt - Đức, Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc…mới nhận thấy được rằng ý thức chấp hành Luật Giao thông của bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Những hiện tượng như dàn hàng ngang, vừa đi xe, vừa nô đùa, chở quá số người quy định đối với xe gắn máy luôn thường xuyên diễn ra. Một số học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe, không đủ tuổi vẫn điều khiển mô tô, xe máy. Các đối tượng này khi tham gia giao thông, nếu quan sát không thấy có lực lượng cảnh sát giao thông là sẵn sàng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí không đội mũ bảo hiểm... Ngoài ra, một số em khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông có tín hiệu yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ thì quay xe bỏ chạy, bất chấp cả việc đi trái làn đường. Tại các ngã ba, ngã tư, đường giao nhau có tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ, trong khi mọi người dừng lại chờ đèn xanh thì vẫn có những em học sinh ngang nhiên phóng xe vượt qua mà không hề chú ý đến các phương tiện khác đang được phép di chuyển. Nguyên nhân của những hiện tượng này không phải là do các em thiếu hiểu biết về luật mà là do các em còn thiếu ý thức tự giác trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, cũng không phải do nhà trường, thầy cô không thường xuyên nhắc nhở, giáo dục các em. Mà thậm chí chính các em là người đã ký vào những bản cam kết với nhà trường sẽ chấp hành "nghiêm chỉnh" luật Giao thông đường bộ. Nhưng đó vẫn chỉ là việc ở trường, còn khi tan học thì lại là chuyện ở ngoài đường. Dẫu biết rằng, gia đình cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phối, kết hợp cùng nhà trường, thầy cô để giáo dục, khuyên bảo các em, song không phải gia đình nào, bậc phụ huynh nào cũng luôn quan tâm đến những vấn đề này. Có những bậc phụ huynh chỉ cần quan tâm xem con em mình học thêm bao nhiêu buổi trong tuần, cuối năm có được lên lớp hay không, học lực giỏi hay khá...Một số phụ huynh quan tâm hơn một chút thì dặn dò con em mình nên đi đứng cẩn thận trên đường tới trường. Nếu chỉ đơn thuần như thế thì không cần nhắc nhở các em cũng cũng đã đủ khôn lớn để có thể hiểu được điều này. Nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức cũng như ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đối với bộ phận học sinh, sinh viên, ngoài việc quan tâm, chú trọng đưa các nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT vào các tiết học chính khoá, ngoại khoá; các nhà trường cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình và các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể duy trì thường xuyên việc giáo dục, quản lý các em. Các trường học cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cần tổ chức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên ký và thực hiện cam kết không vi phạm trật tự ATGT; duy trì mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; tích cực ngăn chặn tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, khi không có giấy phép lái xe; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT trong khối trường học dưới hình thức sân khấu hóa. Các cấp Đoàn Thanh niên cần thường xuyên đẩy mạnh cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, hội thi về văn hóa giao thông; phát huy vai trò tích cực của đội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện tham gia gìn giữ trật tự ATGT. Bên cạnh đó, mỗi bậc phụ huynh cần gương mẫu thực hiện và giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho con em mình, mà trước hết là việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; tích cực phối hợp với nhà trường, tổ dân phố và các ngành chức năng để có biện pháp giáo dục con em mình. Mỗi cá nhân khi tham gia giao thông, nếu phát hiện những hành vi vi phạm trật tự ATGT của bộ phận học sinh, sinh viên nên nhắc nhở các em kịp thời. Để văn hóa giao thông trở thành nếp sống văn hóa lành mạnh cho giới trẻ nói chung, và bộ phận học sinh, sinh viên nói riêng thì cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và toàn xã hội, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi hành vi ứng xử trong văn hóa tham gia giao thông của giới trẻ, gắn liền với xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, tạo nên thói quen nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho giới trẻ mọi lúc, mọi nơi. Việt Sơn |