Câu chuyện với Giám đốc Nguyễn Tiến Ngọ đã đưa chúng tôi trở về Hải Lựu - một làng nghề từ những năm đầu của thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XX. Ở xã có cụ Bếp Vằn đi lính khố đỏ cho Pháp, đóng quân ở một vùng làm đá thuộc tỉnh Thanh Hoá. Cụ đã học được nghề đục đá ở đây và khi mãn hạn lính, cụ đã làm nghề ở xã. Cụ Bếp Vằn chỉ truyền nghề cho con cháu trong nhà. Các loại cối giã gạo, giã cua, giã vừng do con cháu cụ sản xuất ra chủ yếu nhằm mục đích phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình và bà con trong xã. Lúc mới làm nghề, kỹ thuật còn rất thô sơ, muốn phá vỡ các khối đá lớn, người thợ phải dùng đến củi đốt để cho đá nổ ra. Nghề đá không phát triển được là do mẫu mã hạn chế. Sản phẩm hầu hết chỉ là cối giã lớn, nhỏ hoặc một vài mặt hàng mỹ nghệ như bát hương có đục lưỡng long chầu nguyệt thờ ở các đền chùa. Ngày nay những công trình, tác phẩm đồ sộ như: Tam Đảo, Tây Thiên, Thiền Viện, bậc thang đá ở Đền Hùng, đền Hai Bà Trưng, những ngôi chùa cổ kính cho tới đá lát Hồ Đại Lải, đá lát UBND tỉnh, hệ thống kè Sông Lô, các loại sư tử, kỳ lân ở một số trụ sở công trình quan trọng của đất nước và của nhiều nước trên thế giới…đều là do bàn tay và khối óc của người thợ chạm khắc đá Hải Lựu tạo ra, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nguyễn Tiến Ngọ. Anh Nguyễn Tiến Ngọ cho biết: Còn nhỏ, anh vừa làm, vừa học, mang đục, vồ theo cha đi đẽo đá. Ngay từ những nét khắc chạm đầu tiên, Ngọ đã bộc lộ niềm đam mê, đức tính cần cù và năng khiếu bẩm sinh. Lớn lên, anh được cha mẹ truyền nghề làm đá thủ công ở địa phương. Song ở tuổi thanh niên anh tạm gác bỏ làng nghề lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Hết nghĩa vụ quân sự trở về địa phương với cuộc sống đời thường, tiếp tục nối nghiệp nghề cha truyền con nối. Tuy nhiên sau 12 năm làm thợ tạc đá rất vất vả mà kinh tế gia đình vẫn không có gì cải thiện. Đến năm 2000, anh Ngọ quyết định xin UBND xã cho thành lập thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ đá Hải Lựu. Thời gian này anh Ngọ đã quy tụ được 10 anh em chuyên sản xuất đá thủ công, đá xây dựng trong thôn. Trước tiên anh tìm các mối tiêu thụ trong tỉnh dần dần phát triển ra cả ngoài tỉnh. Thợ làm đá trong tổ có tay nghề cao, sản phẩm đẹp, bền và chất lượng nên nhiều bạn hàng tự tìm đến đặt hàng tại cơ sở sản xuất. Do lượng khách hàng ngày càng đông, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng nên năm 2002 anh Ngọ đã chuyển đổi nâng cấp thành lập Công ty TNHH Tiến Thành với quy mô sản xuất lớn hơn. Đá mỹ nghệ Tiến Thành cũng là doanh nghiệp tiên phong đưa máy móc công nghệ vào nghề chạm khắc đá truyền thống của làng. Hiện tại, doanh nghiệp Đá mỹ nghệ Tiến Thành có hơn 20 thợ đá lành nghề, trong đó có nhiều thợ tinh xảo. Chính họ đã cùng Đá mỹ nghệ Tiến Thành gửi hồn cha ông vào đá Việt, góp phần tạo lên nhiều sản phẩm tinh xảo như: voi đá, ngựa đá, tòa sen, tượng phật, chân cột đình, bia văn tự, đỉnh lư hương, tháp nhang sân chùa, nhịp cầu bằng đá…cùng nhiều công trình kiến trúc tâm linh mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiện nay, ngoài thị trường tiêu thụ trong nước, sản phẩm đá mỹ nghệ của doanh nghiệp còn được xuất khẩu sang một số nước Bắc Âu, Bắc Mỹ, Malaysia, Indonesia, Úc, Đài Loan, Trung Quốc… và được nhân dân các nước ưa chuộng, tin dùng. Tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp hiện có trên 3 tỷ đồng. Doanh thu bình quân hàng năm đạt từ 2-3 tỷ đồng, trừ mọi chi phí thu lãi trên 500 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30-40 lao động tại địa phương với mức lương từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Đi giữa bộn bề làng đá, tôi bỗng nhận ra một điều, hàng chục người thợ của Công ty TNHH Tiến Thành cùng 1.500 người thợ của các doanh nghiệp, cơ sở đá mỹ nghệ làng đá Hải Lựu đang ngày đêm cần mẫn gửi hồn qua từng nét khắc chạm, góp phần làm nên những công trình văn hóa cho con cháu muôn đời. Thu Thủy |